Ai cũng là thầy và là trò của nhau, đồng hành để cùng phát triển
Chính những điều đó đã khiến mình thấm thía hơn rằng vai trò của một người thầy hay trò không cố định, mà luôn luân chuyển giữa mọi người trong cộng đồng.
Trong cuộc sống và công việc, mình tin rằng ai cũng là thầy và cũng là trò của nhau. Chúng ta không chỉ học từ những người dạy ta, mà còn từ chính những người đồng hành, từ cộng đồng xung quanh mình.
Thông thường, chúng ta hay nghĩ rằng mentee là những người đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ mentor. Tuy nhiên, có một góc nhìn khác về mentee mà mình rất đồng tình:
"Họ không chỉ cần giúp đỡ, mà họ còn là những người có tố chất để phát triển và đạt được mục tiêu của mình thông qua mối quan hệ mentor-mentee."
Creadit: sei.come.sei
Mối quan hệ mentor - mentee
Mình thường chia sẻ trong các buổi Cohort Meeting Substack về việc mentor và mentee không phải chỉ là một mối quan hệ một chiều. Mentee không chỉ đơn thuần là người cần được hướng dẫn, mà họ còn là những người dám chủ động tìm kiếm sự phát triển.
Họ có những mục tiêu rõ ràng, thậm chí là những trăn trở cụ thể, và điều này chính là động lực để họ không ngừng học hỏi và tiến bộ.
Chẳng hạn, trong Substack community của mình, có một bạn mentee từng chia sẻ rằng trước khi tham gia, bạn cảm thấy lạc lối vì không biết làm sao để phát triển nội dung long-form trên Substack. Nhưng thông qua những buổi cohort meeting, bạn ấy không chỉ học từ mình mà còn từ chính những người bạn cùng tham gia.
Bạn ấy đã biết cách hệ thống hóa công việc, tạo ra chiến lược cho từng bài viết và cách gắn kết với cộng đồng. Điều đặc biệt là qua việc trao đổi với bạn ấy, chính mình cũng học được rất nhiều về cách tiếp cận và những góc nhìn mới từ ngành nghề của bạn.
Mentee cần những tố chất nào để phát triển?
Mình luôn có một filter – bộ lọc để nhận diện những mentee phù hợp. Đây không phải là về kỹ năng hay kinh nghiệm, mà là về thái độ và tố chất. Đối với mình, một mentee lý tưởng sẽ có ít nhất ba đặc điểm sau:
Có mục tiêu rõ ràng
Một người mentee cần phải biết mình đang muốn đạt được điều gì, dù có thể chưa thật sự rõ ràng ngay từ đầu. Mục tiêu chính là kim chỉ nam để cả mentee và mentor cùng nỗ lực. Nếu không có mục tiêu, mentee sẽ không biết mình cần gì và cũng không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.Chủ động trong học hỏi
Mình luôn nhấn mạnh rằng: "Người ta chỉ có thể giúp đỡ bạn nếu bạn sẵn sàng giúp đỡ chính mình." Việc chủ động tìm kiếm mentor, môi trường là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Nhiều người dù biết mình cần giúp đỡ nhưng lại e dè, ngại ngùng vì sợ bị đánh giá, sợ bị từ chối. Nhưng những bạn dám chủ động, dám bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm lời khuyên là những người đã vượt qua rào cản lớn nhất.Chân thành trong chia sẻ
Chân thành là nền tảng của mối quan hệ mentor-mentee. Mentee cần cởi mở, không giấu giếm những struggle hay khó khăn của mình. Chỉ khi có sự tin tưởng và thẳng thắn chia sẻ, mentor mới có thể hiểu và đưa ra lời khuyên chính xác.
Ai cũng là thầy và là trò
Mình luôn nhớ câu nói của thầy Phan Văn Trường: "Ai cũng là thầy và là trò của nhau." Câu nói ấy không chỉ đơn thuần là một triết lý, mà thực sự đã làm mình thay đổi cách nhìn về mối quan hệ giữa mentor và mentee, cũng như giữa con người với nhau trong cuộc sống.
Trước đây, mình từng nghĩ rằng người thầy là những người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn, còn trò là người cần học hỏi và tiếp nhận. Tuy nhiên, qua quá trình trải nghiệm và quan sát từ cuộc sống, mình nhận ra rằng mỗi người chúng ta đều có lúc đóng vai trò là thầy, và cũng có lúc là trò.
Đó không chỉ là một quá trình trao đổi kiến thức đơn thuần, mà là sự học hỏi, chia sẻ không ngừng nghỉ giữa những người có cùng mục tiêu phát triển bản thân.
Từ những điều quan sát được trong cuộc sống, mình thấy rằng ở mỗi người, dù là trẻ em hay người lớn, đều mang trong mình những bài học giá trị để người khác có thể học hỏi.
Ví dụ, một đứa trẻ có thể dạy ta về sự ngây thơ, tò mò với cuộc sống, điều mà đôi khi người trưởng thành đã đánh mất. Ngược lại, người lớn dạy trẻ em về những nguyên tắc xã hội, về kỹ năng sống mà các em chưa từng trải qua. Điều này cho thấy vai trò thầy - trò luôn đan xen, hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên và liên tục.
Từ môi trường công việc, mình cũng thấy rõ ràng hơn sự song hành này. Trong các buổi gặp gỡ với cộng đồng Substack của mình, mặc dù mình ở vai trò là người tổ chức và mentor chính, nhưng qua mỗi buổi trao đổi, mình nhận ra bản thân cũng học được rất nhiều từ các thành viên.
Mỗi người, dù đến từ những ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, đều mang theo những bài học, những trải nghiệm riêng biệt. Chẳng hạn, có một lần, trong buổi cohort meeting với các thành viên, mình được lắng nghe chia sẻ của một bạn làm trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm.
Bạn đã mang đến một góc nhìn rất mới về việc ứng dụng tư duy thiết kế vào cách hệ thống hóa và phát triển nội dung trên Substack. Điều này đã mở ra cho mình một cách tiếp cận mới, giúp mình áp dụng vào chính công việc sáng tạo của bản thân.
Từ những chia sẻ của các bạn trong từng buổi meeting, mình nhận thấy rằng các bạn không chỉ học hỏi từ mình, mà còn từ chính những người đồng hành khác. Các buổi trao đổi không chỉ xoay quanh việc mình hướng dẫn, mà là một diễn đàn mở để mọi người đóng góp ý kiến, giúp nhau tiến bộ.
Chính những điều đó đã khiến mình thấm thía hơn rằng vai trò của một người thầy hay trò không cố định, mà luôn luân chuyển giữa
mọi người trong cộng đồng.
Như vậy, qua mỗi mối quan hệ, mỗi trải nghiệm, chúng ta luôn là người thầy và cũng là người trò. Điều quan trọng là chúng ta cần giữ thái độ khiêm nhường, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ người khác, bất kể họ là ai.
Cũng như thầy Phan Văn Trường đã từng nói, "Ai cũng là thầy và là trò của nhau." Chỉ cần mở lòng, mọi người xung quanh đều có thể là nguồn cảm hứng và kiến thức để chúng ta học hỏi và tiến bộ hơn mỗi ngày.
Lời kết
Đừng đánh giá thấp giá trị của những điều bạn biết. Có thể, chính những điều đó lại là chìa khóa giúp người khác tìm thấy con đường đi của mình.
Kiến thức như một báu vật, càng chia sẻ càng trở nên ý nghĩa. Đừng giữ riêng cho mình những điều bạn biết, hãy lan tỏa nó để cùng nhau phát triển nhé.
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận của bạn hoặc câu hỏi cho mình nhé!
➤ Tham gia cộng đồng riêng tư miễn phí “Creator System” trên Facebook để:
Thực hành và kết nối với những người có mục tiêu chung: “Xây dựng thương hiệu cá nhân, thông qua hệ thống hóa hành trình phát triển bản thân.”
Nhận tài liệu, template hữu ích, và free training.
Cơ hội mentoring 1:1 cùng mình thông qua các hoạt động nổi bật.
Nhận 6 newsletter chuyên sâu về sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu cá nhân hàng tháng.