Gió ngược chiều, rèn đôi cánh vững
Nghề Dược không chỉ là một công việc, mà còn là sứ mệnh gắn liền với cuộc đời mình.
Mindtalk Series là không gian nơi mình có cơ hội trò chuyện và chia sẻ cùng những “cuốn sách sống” – những khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mang theo hành trang là trải nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quý giá và kiến thức sâu sắc.
Những cuộc trò chuyện này tập trung vào các chủ đề như xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển chuyên môn và kết nối cộng đồng – những yếu tố quan trọng để mỗi người tối ưu hóa hành trình cá nhân và sự nghiệp của mình.
Hôm nay, Mindtalk Series rất vui được chào đón Út Hồ (Cô Út Dược Sĩ) – một dược sĩ với hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại dược phẩm tham gia trò chuyện mang đến một hương vị nội dung mới lạ từ một ngành nghề rất đặc thù.
Út đã từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như Sales, Quản lý Chất lượng Dịch vụ thương mại, Sourcing, Team Leader, General Manager tại các tổ chức Start-up, doanh nghiệp SMEs và Big Corp.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, Út quyết định rẽ hướng và thành lập công ty thương mại các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ riêng vào năm 2023.
Cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành từ Út Hồ (Cô Út Dược Sĩ) về ngành Dược, chăm sóc sức khỏe và hành trình theo đuổi đam mê trong số Mindtalk Series lần này!
1. Khoảnh khắc nào khiến Út chắc chắn rằng đây là con đường mình phải đi?
Mình vẫn nhớ rõ khoảnh khắc đầu tiên đánh dấu niềm đam mê với ngành Dược – đó là năm lớp 9, khi mình được chọn đại diện trường tham gia kỳ thi học sinh giỏi Hóa cấp thành phố và đạt giải.
Đó là cột mốc đầu tiên giúp mình nhận ra niềm yêu thích đặc biệt với môn Hóa học. Khi ấy, mình từng ước ao được học Hóa suốt đời.
Trong quá trình tìm hiểu các ngành nghề liên quan để thi đại học, mình nhận ra rằng Dược sĩ không chỉ là một ngành đòi hỏi sự gắn bó trọn đời với Hóa học mà còn có giá trị to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nghe nói dễ xin được việc làm.
Lúc đó mình ở quê, tư tưởng học xong phải xin được việc làm lương cao, có việc liền mà không phải tốn tiền chạy mua ghế mới là “nghề nghiệp nên học” là điều duy nhất mình hiểu về khái niệm hướng nghiệp từ các bậc tiền bối khuyên nhủ.
Từ đó, ước mơ trở thành một Dược sĩ đã được mình ấp ủ và nuôi dưỡng.
Thế nhưng, con đường mình đến với nghề Dược không hề dễ dàng. Có một giai đoạn mình làm nhân viên kho, bốc vác, chạy soạn hàng cho một công ty phân phối thuốc ở trung tâm dược phẩm quận 10 từ 8h sáng đến 18h chiều để kiếm tiền đóng học phí.
Sau đó mình tiếp tục chạy qua nhà thuốc học việc không lương từ 19h đến 23h, chủ kêu gì mình làm đó, mấy chị nhân viên sai bảo gì đều làm chỉ để đổi lấy cơ hội “được sống trong thuốc để học thuốc”.
Mỗi ngày, mình thức dậy từ 5h sáng để ôn thi vào đại học Dược, và cuối tuần lại lặn lội gần 60km đến trường để học và thi. Đó là quãng thời gian vô cùng vất vả – nghèo khó, mình chạy bôn ba khắp nơi để tìm kiếm tri thức, kinh nghiệm và cơ hội theo đuổi nghề Dược sĩ.
Từ một sinh viên Dược đến một Dược sĩ "cứng nghề," có thể cầm kéo cắt thuốc, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng đúng - đủ - đều để cải thiện sức khỏe, mình đã trải qua gần 7 năm nỗ lực không ngừng: 5,5 năm học tập và 1,5 năm va chạm thực tế, và nhiều năm theo đuổi bồi đắp kiến thức, kỹ năng liên tục sau này.
Nghề Dược không chỉ là một công việc, mà còn là sứ mệnh gắn liền với cuộc đời mình.
Mình bị thu hút khi tìm hiểu về thuốc, thảo dược và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cá nhân. Công việc nghiên cứu thị trường, thương mại, viết tư liệu và hướng dẫn sử dụng sản phẩm phù hợp cho người bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui mỗi ngày của mình.
Cảm xúc lúc giúp đỡ ai đó được khoẻ mạnh với mình nó rất thiêng liêng, mình trân quý nghề nghiệp đang theo đuổi và mong muốn được làm nghề bền bỉ lâu dài.
Đa số ngày nào mình cũng tiếp xúc, trao đổi với bệnh nhân, hoặc thân nhân người bệnh, lắng nghe rất nhiều điều buồn - lo - sợ hãi bên trong họ. Đôi lúc mình hay được bạn bè hỏi “ bộ không sợ thông tin tiêu cực đó ảnh hưởng hả Út”, mình chỉ cười trừ vì quen rồi.
Những trải nghiệm sâu sắc mà mình đã đi qua khiến mình tin rằng, đây chính là con đường mà mình phải đi – con đường của một Dược sĩ tận tâm, luôn đặt sức khỏe và tối ưu chi phí cho người bệnh lên hàng đầu.
2. Đã bao giờ Út nghi ngờ chính mình và Út vượt qua thế nào?
Có chứ, rất nhiều lần mình đã nghi ngờ bản thân, tự hỏi liệu con đường mình chọn có đúng không, liệu mình có đủ khả năng để tiếp tục?
Đặc biệt, những hoài nghi đó càng mạnh mẽ hơn khi mình phải đối mặt với những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.
Cả ngày dốc sức làm việc, tối về lại lao đầu vào học đến kiệt sức vì thiếu ngủ. Mình từng không dám nói với ai rằng mình đã tốt nghiệp Dược sĩ, bởi vẻ ngoài nhếch nhác, lôi thôi khiến mình sợ người ta chê cười. Khi ấy, mình đã tự hỏi:
“Liệu mình có nên từ bỏ, học một ngành khác để tìm một hướng đi dễ dàng hơn không?”
Rồi khi mình tiếp tục học lên đại học, vẫn miệt mài thi cử, bạn bè đồng trang lứa đã có việc làm ổn định, người thì vào ngân hàng lớn, người được làm việc trong môi trường tốt, đi du lịch nước ngoài mỗi năm.
Còn mình, sáng làm công ty dược ở Sài Gòn, gom góp từng đồng xin đứa bạn cho ở chung và một góc nhỏ để trưng bày hàng bán trong một nhà thuốc ở khu công nghiệp Dĩ An, Bình Dương. Cuối tuần vẫn chạy đi học, bôn ba giữa Sài Gòn - Bình Dương - Đồng Nai.
Học thì vất vả, làm thì cật lực, nhưng cuối tháng vẫn chẳng dư đồng nào vì tiền học phí, tiền duy trì nhà thuốc cứ cuốn sạch. Quần áo cũng chỉ dám mua đồ second-hand, đến mức mình ngại gặp lại bạn bè cũ vì sợ họ hỏi về cuộc sống của mình.
Có những ngày trời mưa, nhà thuốc ế khách, tiền vốn cạn kiệt, mình từng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Nhưng cú sốc lớn nhất đến vào năm 2022, khi mình gặp sự cố kinh doanh, mất trắng hơn 2 tỷ và còn nợ thêm 600 triệu.
Không có công việc có lương cố định, thu nhập bấp bênh, tai nạn khiến mình nằm một chỗ, không thể đi làm.
Điều giúp mình bước tiếp?
Có lẽ, đó là cái duyên với nghề. Đã có lúc mình muốn buông bỏ, tìm hướng khác để kiếm tiền, nhưng duyên vẫn còn. Khách hàng cũ vẫn tìm đến mình mua hàng, cho mình cơ hội đứng dậy.
Họ không chỉ là khách hàng, mà còn là những người đã trao cho mình niềm tin vào tương lai, giúp mình giữ vững lòng tin đi tiếp con đường này.
Nếu không có khách hàng vẫn kiên trì ủng hộ, không có những nhà cung cấp sẵn sàng cho công nợ, thanh toán chậm để mình có vốn xoay sở, không có những người anh-người chị sẵn sàng trao cho mình một cánh tay “có job cho em nè Út” kéo mình lên, để mình kiếm tiền lại dù là từng đồng tiền nhỏ lẻ, có khi mình đã phải rẽ sang một hướng khác.
Biết đâu bây giờ, sẽ không có một Cô Út Dược Sĩ, mà thay vào đó là một Cô Út đang bỏ xứ đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc rồi cũng nên!
Nhìn lại, mình biết rằng tất cả những khó khăn đã giúp mình trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Mình tin rằng mình đã trưởng thành, mạnh mẽ, kiên cường, thấu đáo hơn rất nhiều để hiểu về sự khiêm hạ, trấn giữ tâm bình và nghiêm túc theo nghề.
3. Khi nhìn lại cách mình làm việc, Út có thấy một nguyên tắc, thói quen hay giá trị nào đó đã giúp Út tạo ra sự khác biệt không?
Trước mỗi tình huống, mình tự hỏi: “Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?”—từ đó tìm hiểu tận gốc rễ nguyên nhân, không chỉ dừng lại ở biểu hiện bên ngoài mà tập trung vào giải pháp thực sự.
Tiếp theo, mình tự vấn: “Có cách nào tối ưu hơn không?”—bởi lẽ, một giải pháp tốt chưa chắc đã là giải pháp tối ưu.
Mình luôn tìm cách tiết kiệm công sức, tối ưu hóa nguồn lực để nâng cao hiệu quả và tạo điều kiện cho những công việc khác.
Cuối cùng, mình đặt câu hỏi: “Có rủi ro nào có thể xảy ra?”—để khoanh vùng các nguy cơ tiềm ẩn, từ đó xây dựng phương án dự phòng và hệ thống quản lý rủi ro, nhằm giảm thiểu những tổn thất không đáng có.
Không chỉ trong công việc, mà ngay cả khi đánh giá một sản phẩm mới hay nghiên cứu thị trường, mình cũng áp dụng một bộ câu hỏi chặt chẽ để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong quyết định của mình.
Trước tiên,
Mình xem xét liệu sản phẩm đó có thực sự an toàn và hiệu quả hay không?
Nó giải quyết vấn đề gì, có phải hàng chính hãng hay không?
Mình cũng quan tâm đến giá cả—liệu nó có hợp lý so với giá trị mang lại hay không?
Ngoài ra, mức độ phổ biến, tính ứng dụng, khả năng nhân bản và mở rộng thị trường cũng là những yếu tố quan trọng.
Bên cạnh đó, mình luôn tìm hiểu kỹ về người bán:
Họ là ai, có uy tín không?
Các yếu tố pháp lý và hình thức mua bán có đáng tin cậy không?
Cuối cùng, mình đánh giá đối thủ cạnh tranh và các sản phẩm thay thế để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.
Ngoài việc xây dựng một hệ thống làm việc khoa học, mình còn đặt ra những nguyên tắc cốt lõi để duy trì giá trị cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.
Mình cũng luôn giữ vững tinh thần khởi nghiệp—không ngừng học hỏi, đổi mới và phát triển.
Quan trọng nhất, mình tin rằng tinh thần phụng sự phải đặt lên hàng đầu, bởi dù công việc có áp lực thế nào, sự tận tâm với người bệnh vẫn là điều quan trọng nhất.
Mình luôn tin rằng giá trị của công việc không chỉ nằm ở lợi ích cá nhân, mà còn ở tác động tích cực mà nó mang lại cho cộng đồng.
Châm ngôn về nghề mà mình theo đuổi là: "Gừng càng già càng cay"
Với mình, giá trị bản thân không đo lường bằng số tiền kiếm được hay những thành tích hào nhoáng, mà bằng khả năng giúp đỡ người khác.
Đó có thể là giúp những người yếu thế có kế sinh nhai, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, hoặc đơn giản là biết cho đi và gieo trồng thế hệ sau từ những gì mình đã tích lũy được.
Có người từng nói rằng nghề Dược là "kiếm tiền trên nỗi đau của người bệnh", một nhận xét đầy suy nghĩ mang tính cá nhân và có phần nghiêm khắc.
Đúng là trong công việc của mình, mỗi ngày mình đều tiếp xúc với những bệnh nhân, những người đang phải chịu đựng đau đớn và khó khăn và tìm cách giúp họ giải quyết tối ưu các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của họ.
Nhưng thay vì chỉ nhìn vào khía cạnh vật chất, mình luôn tự nhắc nhở bản thân rằng:
Họ không chỉ mang đến công việc cho mình, mà còn là nguồn động lực giúp mình không ngừng trau dồi và cải thiện bản thân mỗi ngày.
5. Dưới góc nhìn của một dược sĩ có nhiều kinh nghiệm thực tế, Út thấy đâu là những vấn đề sức khỏe mà khách hàng thường không nhận ra?
Mình nhận ra rằng một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng ít ai để ý chính là sự chủ quan và thiếu tinh thần phòng bệnh từ sớm.
Thực tế, dù không ai có thể đoán chính xác mình sẽ mắc bệnh gì trong tương lai, nhưng hoàn toàn có thể dự đoán và phòng ngừa những bệnh có nguy cơ cao dựa trên lối sống hiện tại.
Ví dụ, dân văn phòng thường gặp các vấn đề như đau mỏi cổ vai gáy, rối loạn chuyển hóa lipid, lạnh tử cung ở nữ giới, đau nhức xương khớp, tất cả đều xuất phát từ việc ngồi lâu, làm việc trong môi trường máy lạnh, ít vận động, và thiếu tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.
Điều đáng nói là, phần lớn mọi người chưa có thói quen xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe tổng thể phù hợp với thời gian và tài chính của mình.
Họ thường có tâm lý “nước tới chân mới nhảy”, chỉ quan tâm đến sức khỏe khi đã mắc bệnh.
Với họ, chăm sóc sức khỏe chỉ đơn giản là khám tổng quát một năm một lần, xét nghiệm định kỳ, hoặc khi có bệnh vặt thì ra nhà thuốc mua vài viên thuốc uống tạm.
Thời đại công nghệ số mang đến một nghịch lý:
“Con người tiếp cận thông tin sức khỏe nhanh hơn, nhưng lại thiếu khả năng chọn lọc.”
Nhiều người tìm kiếm kiến thức y khoa qua TikTok, Facebook, theo dõi bác sĩ, dược sĩ online, nhưng không có hệ thống chọn lọc thông tin phù hợp cho bản thân.
Vậy mình đã giúp khách hàng thay đổi nhận thức và hành động như thế nào?
Trước hết, mình xây dựng một hệ thống giải pháp toàn diện để giúp họ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe. Mình hướng dẫn họ lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe cá nhân, phù hợp với lối sống và điều kiện tài chính của từng người.
Đồng thời, mình cũng đang trong quá trình tạo ra thư viện sức khỏe cá nhân, nơi họ có thể tra cứu thông tin y tế đáng tin cậy thay vì bị cuốn theo những thông tin sai lệch trên mạng.
Bên cạnh đó, mình tập trung vào cung ứng sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng với giá tốt, giúp khách hàng tiếp cận các sản phẩm an toàn, hiệu quả mà không lo về chi phí.
Mình cũng hỗ trợ tìm thuốc, tư vấn sức khỏe trực tuyến, giúp họ có giải pháp nhanh chóng và kịp thời.
Không dừng lại ở đó, mình còn hợp tác với các đơn vị y tế, cung cấp vouchers giảm giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng với mức giá hợp lý.
Mình tin rằng chăm sóc sức khỏe không chỉ là việc chữa bệnh, mà là xây dựng một cuộc sống khỏe mạnh càng sớm càng tốt.
Khi khách hàng thay đổi nhận thức, họ sẽ chủ động hơn, biết phòng bệnh trước khi chữa bệnh, và từ đó, chất lượng cuộc sống được nâng cao một cách bền vững.
6. Nếu có thể nhắn nhủ một điều với chính mình lúc mới bắt đầu, đó sẽ là gì?
Nếu được quay trở lại thời điểm bắt đầu mình sẽ nhắn nhủ chính mình rằng:
Hãy tin rằng mình làm được và sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn — Có những lúc con đường phía trước với mình rất mờ mịt, những lúc mình rất muốn bỏ cuộc, nhưng trong hoàn cảnh đó mình nhận ra:
Nếu ngay cả mình còn không tin vào chính mình, thì ai sẽ tin?
Niềm tin vào chính mình không chỉ là một lời động viên, mà là nền tảng để mình đứng vững trước những sóng gió, là động lực để mình kiên trì theo đuổi những giá trị đúng đắn.
Có thể hôm nay mình chưa thấy kết quả, nhưng từng bước đi, từng sự lựa chọn đều đang tạo nên tương lai mà mình mong muốn.
Minh bạch — dù có khó khăn đến đâu, cũng không được thỏa hiệp.
Mình chọn con đường làm ăn chân chính, kinh doanh phải rõ ràng, sản phẩm phải có hóa đơn, nguồn gốc phải chính hãng, đúng pháp lý.
Điều đó đồng nghĩa với việc mình mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, phải đóng thuế đầy đủ, phải đối diện với nhiều thử thách hơn so với những người khác trên thị trường.
Nhưng điều mình cần không phải là lợi nhuận nhanh chóng, mà là lòng tin của khách hàng.
Khi đã có lòng tin, mình không chỉ bán một sản phẩm, mà còn xây dựng một mối quan hệ lâu dài, nơi khách hàng luôn cảm thấy an tâm khi lựa chọn mình.
Nhưng lòng tin không tự nhiên mà có, lòng tin đến từ trách nhiệm.
Trách nhiệm với cộng sự – vì họ đang cùng mình xây dựng một điều gì đó có ý nghĩa.
Trách nhiệm với khách hàng – vì họ trao gửi sức khỏe của họ vào tay mình.
Trách nhiệm với gia đình – vì họ tin rằng mình đang đi trên con đường đúng.
Thị trường có thể thay đổi, công nghệ có thể phát triển, nhưng giá trị cốt lõi của mình không được phép lung lay.
Trong thời đại mà AI đang phát triển nhanh chóng, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Hoặc mình kịp thích nghi, hoặc mình bị nhấn chìm.
Nếu chỉ làm theo cách cũ, mình sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu biết tận dụng công nghệ, cập nhật liên tục, mình có thể phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự nỗ lực không ngừng chính là phương châm sống của mình. Cảm ơn những khó khăn, thất bại đã đến sớm để mình có thể học được cách đứng dậy, mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn.
Chính những thử thách đó đã giúp mình nhận ra rằng, không có con đường nào trải đầy hoa hồng mà không có những gai góc phải vượt qua.
Những lần vấp ngã đã dạy cho mình sự kiên nhẫn và lòng kiên trì, giúp mình hiểu rằng mỗi bước tiến đều cần sự nỗ lực không ngừng.
Mỗi lần nhìn lại, mình thấy rằng chính những khó khăn đó đã định hình nên con người mình của ngày hôm nay, và giúp mình sẵn sàng đối diện với bất kỳ thử thách nào trong tương lai.
—
Kết nối thêm với Út tại đây
Xem thêm:
phần trả lời số 4 và 5 rất hay