Recap Keystone mindset - Tư duy cốt lõi trong ngành nghề của tôi
"Tư duy cốt lõi" là kim chỉ nam giúp bạn xác định mục tiêu và phát triển sự nghiệp bền vững. Các khách mời chia sẻ câu chuyện từ nhiều lĩnh vực với những tư duy cốt lõi khác nhau.
Cùng đọc những câu chuyện về sự kiên trì, tư duy chiến lược, và cách các khách mời áp dụng "tư duy cốt lõi" để thành công trong công việc của mình.
Tư duy chủ động trong công việc trợ lý - Duy Khang
1. Chủ động dấn thân vào thực tế
Khang bắt đầu tìm kiếm cơ hội bằng cách tham gia cộng đồng, networking với những người làm Freelance và tích cực tìm kiếm công việc thực tập, kể cả làm miễn phí để tích lũy kinh nghiệm.
Qua quá trình này, Khang dần hiểu rõ hơn về bản thân, khám phá những từ khóa quan trọng như: Tự do, Kết nối tốt, Chi tiết, Kỷ luật. Dần dần, Khang kết nối được những dấu chấm, hiểu mình là ai, và tìm ra công việc phù hợp nhất – trở thành một Trợ lý từ xa.
2. Nguyên tắc tư duy làm việc hiệu quả
Hiểu rõ "Outcome" của mình và của sếp
Khang luôn chủ động hỏi và thảo luận với sếp về các mục tiêu chính – outcome của từng giai đoạn, từ dài hạn (năm) đến ngắn hạn (ngày). Hiểu rõ mục tiêu giúp Khang lên kế hoạch chi tiết và cụ thể, từ đó thực hiện công việc hiệu quả, đảm bảo đạt được kết quả mong muốn.
Chủ động báo cáo tiến độ
Việc cập nhật tiến độ là yếu tố quan trọng để duy trì sự tin tưởng và phối hợp hiệu quả. Khang phân chia công việc thành ba loại: ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn:
Với công việc ngắn hạn, Khang thường báo cáo vào buổi sáng và trước 5 giờ chiều.
Công việc trung hạn sẽ được cập nhật vào cuối tháng.
Với công việc dài hạn, Khang chủ động tổng kết vào cuối năm.
Tìm kiếm vấn đề và đề xuất giải pháp
Trong quá trình làm việc, luôn có những vấn đề không lường trước. Khang luôn chú ý ghi chú lại các vấn đề phát sinh, đồng thời chủ động đề xuất giải pháp trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. Với những vấn đề đã xảy ra, Khang tài liệu hóa lại, từ đó rút kinh nghiệm và xử lý nhanh hơn trong những lần sau.
3. Quy trình hóa công việc
Khang có một câu thần chú khi làm việc: "Quy trình hóa, công thức hóa, và tiêu chuẩn hóa". Điều này giúp Khang xử lý mọi việc dựa trên outcome cụ thể, đồng thời giữ cho công việc nhất quán và có hệ thống.
Khang tập trung vào ba loại công việc chính cần tài liệu hóa:
Công việc chi tiết và phức tạp.
Công việc không tên phát sinh bất ngờ.
Công việc lặp đi lặp lại.
Cách tài liệu hóa:
Gom các nhóm công việc vào từng file chủ đề, trong đó có đầy đủ thông tin và tài liệu liên quan.
Luôn có checklist công việc hàng ngày để theo dõi tiến độ và đảm bảo không bỏ sót bất cứ việc gì, dù nhỏ nhất. Điều này rất quan trọng, nhất là khi bạn không phải lúc nào cũng có đủ năng lượng 100% để làm việc mỗi ngày.
Một nguyên tắc không thể thiếu là giao tiếp rõ ràng với sếp. Khang luôn sắp xếp thời gian để trao đổi với sếp về quy tắc làm việc và mong muốn cá nhân. Khi cả hai bên hiểu rõ nguyên tắc làm việc của nhau, quá trình hợp tác trở nên suôn sẻ, hiệu quả hơn.
Làm trợ lý không chỉ là nhận nhiệm vụ từ sếp mà còn đóng vai trò là một người bạn đồng hành, hỗ trợ sếp và chủ động đưa ra giải pháp trong công việc.
Tư duy nghĩ lớn để đầu tư - Anh Xuân Trần
Sau nhiều năm tư vấn cho các nhà đầu tư, anh Xuân nhận thấy rằng một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người gặp phải khoản lỗ lớn và rời bỏ thị trường là vì họ đặt ra những mục tiêu quá nhỏ và ngắn hạn.
Nhiều người chỉ đầu tư chứng khoán để kiếm tiền mua đồ dùng, trà sữa, hoặc gia tăng một chút thu nhập hàng tháng. Những mục tiêu này tưởng chừng như vô hại, nhưng thực chất lại dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.
1. Hậu quả là tầm nhìn ngắn hạn
Cảm xúc bị chi phối bởi những biến động nhỏ: Khi giá cổ phiếu chỉ tăng vài phần trăm, họ dễ dàng bán ra để thu về một khoản nhỏ, thay vì chờ đợi sự tăng trưởng dài hạn.
Căng thẳng khi giá giảm: Trong một đợt sụt giảm của thị trường, nhà đầu tư cần cơ cấu danh mục, tuy nhiên nếu nhà đầu tư đặt mục tiêu nhỏ, khoản lỗ sẽ vượt qua cả mục tiêu này, thì nhà đầu tư thường rất căng thẳng, không dám bán cơ cấu, dẫn tới khoản lỗ ngày càng lớn hơn.
Tốn thời gian theo dõi thị trường: Những nhà đầu tư với tầm nhìn ngắn hạn thường dành quá nhiều thời gian để quan sát thị trường, chỉ để rồi bỏ lỡ những cơ hội lớn hơn trong tương lai.
Anh Xuân minh họa điều này qua một ví dụ điển hình: Trong một năm, có thể chỉ có 1 tháng duy nhất giá cổ phiếu tăng mạnh, chiếm đến 40% tổng lợi nhuận của cả năm. Nhưng nếu bạn đặt mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như kiếm vài phần trăm để mua trà sữa, bạn sẽ dễ dàng bán khi mới chỉ đạt được 2-3% lợi nhuận. Sau đó, 11 tháng còn lại bạn không còn cơ hội nào nữa, và kết quả là cả năm bạn chỉ kiếm được số tiền rất nhỏ so với tiềm năng.
Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tuân thủ chiến lược giao dịch. Việc đặt ra mục tiêu nhỏ sẽ khiến bạn không thể kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội lớn, dẫn đến việc thường xuyên thay đổi chiến lược, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng.
2. Đầu tư chỉ là phụ – Đừng để nó chi phối công việc chính
Phần lớn mọi người đều có một công việc chính mang lại thu nhập ổn định, và đầu tư chứng khoán chỉ là một phần nhỏ trong tài chính cá nhân. Tuy nhiên, nếu bạn để những mục tiêu ngắn hạn chi phối, chúng sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư, mà còn khiến bạn căng thẳng và làm giảm hiệu suất công việc chính. Cả tài chính và tinh thần đều sẽ bị tổn hại.
3. Hãy nghĩ lớn "Go Big or Go Home"
Thay vì tập trung vào những mục tiêu nhỏ nhặt, hãy nghĩ lớn và đặt ra những mục tiêu dài hạn. Khi bạn nhìn nhận đầu tư chứng khoán như một kế hoạch kéo dài 10-20 năm, bạn sẽ không còn bị cuốn theo những biến động ngắn hạn. Giống như khi nhìn một đường biểu đồ zig-zag nhỏ, bạn sẽ thấy nó gập ghềnh. Nhưng khi phóng to tầm nhìn, mọi thứ trở nên thẳng thắn và rõ ràng hơn.
Thay đổi cách tiếp cận từ những mục tiêu nhỏ sang mục tiêu lớn sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện và ít bị tác động bởi những sự kiện ngắn hạn.
Hãy nhớ rằng, mục tiêu nhỏ của người này có thể là mục tiêu lớn của người khác và ngược lại. Do đó không thể cố định mọi người nên đặt mục tiêu là gì. Điều quan trọng mục tiêu lớn là những mục tiêu mà với nguồn lực hiện tại, bạn không thể thực hiện được ngay. Nếu đặt mục tiêu đúng, bạn sẽ có được tầm nhìn dài hạn và sẽ tận dụng được tiềm năng thực sự của thị trường chứng khoán
Ví dụ, một trong những mục tiêu lớn mà anh Xuân thường tư vấn cho khách hàng của mình là nhân đôi số tiền đầu tư.
Nhân đôi số tiền đầu tư có thể là mục tiêu của một nhà đầu tư với 100 triệu hoặc 1 tỷ. Mục tiêu là sau một khoảng thời gian cụ thể, bạn sẽ nhân đôi số tiền ban đầu lên, chẳng hạn từ 100 triệu thành 200 triệu hoặc từ 1 tỷ thành 2 tỷ. Thời gian đạt được có thể là 3 năm, với mức sinh lời trung bình khoảng 25% mỗi năm.
Nếu bạn chỉ gửi tiền vào ngân hàng, phải mất đến 9 năm mới nhân đôi được số tiền. Nhưng với đầu tư chứng khoán, mục tiêu nhân đôi trong vòng 3 năm là hợp lý và khả thi, tuy rằng sẽ có thách thức. Đây không phải là một mức sinh lời quá cao để phải mạo hiểm, nhưng đủ để tạo ra sự ổn định và tiềm năng sinh lời tốt trong dài hạn.
Tư duy kiểm soát trong Coaching & Bán hàng giá cao - Lâm Bùi
1. Cơ thể và cảm xúc liên kết chặt chẽ
Yếu tố đầu tiên là cơ thể. Cơ thể và cảm xúc của chúng ta luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi bạn tập thể dục, vận động, hay thậm chí chỉ là thay đổi tư thế ngồi, cảm xúc của bạn cũng thay đổi theo.
Đó là lý do tại sao trước mỗi phiên coaching, Tony Robbins luôn nhún nhảy trên bàn nhún để kích hoạt trạng thái tích cực cho cơ thể và tinh thần. Và với Lâm, Lâm chọn chạy bộ. Việc duy trì sự vận động của cơ thể sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát và nâng cao tinh thần của mình.
2. Sự chú tâm tạo ra thực tại
Yếu tố thứ hai là sự chú tâm. Những gì bạn chú ý đến sẽ là những gì bạn thu hút vào cuộc sống. Nếu bạn tập trung vào những điều tiêu cực, cảm xúc của bạn sẽ dần trở nên u ám. Ngược lại, nếu bạn chú tâm vào những điều tích cực, bạn sẽ dần trở nên lạc quan và tràn đầy năng lượng.
Ví dụ, hãy tưởng tượng hình ảnh một người mạnh mẽ và đầy năng lượng. Khi bạn muốn trở thành phiên bản đó của chính mình, hãy tập trung vào những điều tích cực và dần dần, trạng thái tinh thần của bạn cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
3. Sức mạnh của ngôn ngữ
Yếu tố cuối cùng trong tam giác cảm xúc chính là ngôn ngữ. Những từ ngữ bạn sử dụng hàng ngày có thể tác động rất lớn đến trạng thái cảm xúc của bạn. Nếu bạn thường nói với bản thân rằng: "Hôm nay mình làm không tốt đâu," hay "Mình chỉ làm được 50% thôi, không thể đạt 100%," thì bạn đang tự giới hạn khả năng của mình.
Ngược lại, nếu bạn thay đổi ngôn ngữ, sử dụng những từ ngữ tích cực như: "Mình sẽ làm hết sức có thể," hay "Mình có thể đạt được mục tiêu hôm nay," cảm xúc và tinh thần của bạn cũng sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn.
Tony Robbins luôn nhấn mạnh rằng: "Trạng thái là tất cả" (Status is everything).
Thay đổi trạng thái cảm xúc chính là chìa khóa để thay đổi cuộc sống. Và khi bạn kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn sẽ có khả năng đối mặt với mọi thử thách một cách tự tin và mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, thông điệp mà anh Lâm nhận ra từ hành trình của mình chính là: Hãy hiểu rõ bản thân và kiểm soát cảm xúc của mình. Khi bạn làm chủ được cảm xúc, bạn sẽ làm chủ được cuộc đời mình.
Dù bạn làm trong lĩnh vực nào, điều quan trọng nhất không phải là công việc, mà là bạn có thể hiểu và phát huy tối đa khả năng của bản thân, từ đó tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa.
Lời kết
Khi lắng nghe những chia sẻ từ các khách mời tại sự kiện, mình nhận ra rằng "tư duy cốt lõi" không chỉ dừng lại ở công việc hay sự nghiệp, còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và định hình cách mình đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Đó là cách để sống trọn vẹn hơn, tự tin hơn khi đối diện với các quyết định lớn nhỏ mỗi ngày.
➤ Tham gia cộng đồng riêng tư miễn phí “Creator System” trên Facebook để:
Thực hành và kết nối với những người có mục tiêu chung: “Xây dựng thương hiệu cá nhân, thông qua hệ thống hóa hành trình phát triển bản thân.”
Nhận tài liệu, template hữu ích, và free training.
Cơ hội mentoring 1:1 cùng mình thông qua các hoạt động nổi bật.
Nhận 6 newsletter chuyên sâu về sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu cá nhân hàng tháng.
hay quá, mình thực sự rất thích phần tư duy chủ động