"Ta giấu sáng tạo ở đâu?": Cảm nhận và Góc nhìn từ hành trình cá nhân
Với những câu chuyện gần gũi và bài học thiết thực, Godin không chỉ nói về bản chất của lao động sáng tạo, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn nhận năng lực của chính mình một cách đúng đắn.
Từ lâu, mình đã ấn tượng với phong cách thiết kế và cách RIOBook chọn sách. Ở RIO mình cảm thấy được sự tỉ mỉ trong từng chi tiết: từ bìa sách, chất liệu giấy đến cách trình bày nội dung, tất cả đều hướng đến trải nghiệm của người đọc.
Có lẽ vậy nên khi cầm trên tay "Ta giấu Sáng tạo ở đâu?" của Seth Godin, mình biết đây không phải là cuốn sách có thể đọc qua loa. Ngay từ những trang đầu, mọi thứ tuy trực quan và dễ hiểu, nhưng cuốn sách lại mang đến cảm giác cần phải chậm rãi, suy ngẫm để thấm hết từng ý tứ bên trong.
Seth Godin vốn nổi tiếng với những tư duy sáng tạo sâu sắc và đầy tính thực tiễn. Điều đó khiến mình rất tò mò xem cuốn sách này sẽ bổ sung gì cho hành trình làm nghề và sáng tạo của bản thân. Đây không chỉ là đọc để biết, mà là đọc để tìm thấy sự liên kết mới, giúp mình hiểu sâu hơn về cách làm việc của chính mình.
Seth Godin là ai?
Seth Godin không chỉ là một tác giả nổi tiếng mà còn là một nhà tư tưởng về marketing, sáng tạo, và leadership. Những tư tưởng của ông đã định hình cách nhiều người nhìn nhận về công việc sáng tạo và tư duy đổi mới trong thời đại mới. Với mình, Godin là người tiên phong trong việc khuyến khích mọi người sống đúng với bản ngã sáng tạo của mình và không ngần ngại thất bại.
Cuốn sách này, đúng như tên gọi "Ta giấu sáng tạo ở đâu?", không chỉ nói về nơi ta có thể tìm lại cảm hứng đã mất mà còn đưa ra lời khuyên về cách "sáng tạo có chủ đích" – một tư duy sâu sắc dành cho bất kỳ ai đang muốn tạo ra giá trị bền vững trong cuộc sống và công việc.
“Chủ đích”- Nền tảng của sáng tạo có ý nghĩa
Trong quá trình đọc, chương "Chủ đích" với đại diện màu xanh lá cây để lại cho mình nhiều suy ngẫm nhất. Có lẽ vì nó chạm đến một điều rất quen thuộc với mình – tư duy đầu ra (Outcome Thinking) mà mình luôn áp dụng trong công việc hằng ngày.
Xuất thân từ ngành Luật và trải qua nhiều năm làm Project Manager, mình đã quen với việc mỗi hành động đều phải hướng đến một kết quả rõ ràng. Nhưng cuốn sách đã khơi lại một câu hỏi tưởng như đơn giản mà vô cùng quan trọng:
“Mỗi hành động mình làm
thực sự là vì điều gì?”
Trong thế giới sáng tạo hiện đại, điều này đặc biệt có ý nghĩa. Nền kinh tế sáng tạo - Creator economy ngày nay thường đặt áp lực lên người sáng tạo phải chạy theo xu hướng, lượt xem và tương tác. Rất dễ để mình – và có lẽ cả nhiều người khác – bị cuốn vào vòng xoáy làm việc chỉ để đáp ứng kỳ vọng của khán giả, nền tảng, hoặc thị trường.
Có những dự án mình đã hoàn thành nhưng không cảm thấy hài lòng, bởi chúng không còn mang lại cảm giác tự do sáng tạo như khi mình bắt đầu. Chính vì thế, thông điệp từ chương này không chỉ giúp mình nhìn lại hành trình làm việc, mà còn nhắc nhở về giá trị của sự chủ đích trong mọi việc mình làm.
Có hai khía cạnh quan trọng từ chương "Chủ đích" mà mình muốn chia sẻ thêm:
01. “Chủ đích của ta mới quan trọng”
Làm solo creator không phải là làm nhiều, mà là biết khi nào nên làm và vì sao mình làm. Không ai quản lý bạn, nhưng cũng không ai cảnh báo khi bạn kiệt sức. Mình từng rơi vào vòng xoáy đăng bài liên tục vì sợ mất tương tác, khiến niềm vui sáng tạo ban đầu biến thành kiệt quệ và bế tắc.
Khi bắt đầu tự hỏi: “Mình thực sự muốn gì?” mình nhận ra không phải mọi nội dung đều cần sản xuất liên tục. Nghỉ ngơi cũng là một phần của hiệu quả. Những gì mình đăng sau đó ít hơn, nhưng lại có chọn lọc và mang giá trị thực sự cho người đọc.
Sáng tạo nội dung đòi hỏi một intentional mindset – mỗi hành động đều phải có lý do rõ ràng và hướng tới mục tiêu cụ thể. Không có chiến lược, rất dễ rơi vào guồng quay sản xuất không hồi kết, dẫn đến kiệt sức. Theo quan sát của mình, nhiều creator tại Việt Nam đã dần chuyển từ ngẫu hứng sang áp dụng business strategies để duy trì bền vững và phát triển dài hạn.
Trong một thế giới nơi thuật toán và bối cảnh thay đổi không ngừng của xã hội, những solo creator, solo expert giỏi nhất mình từng được gặp đều có quan điểm là không cố chạy theo mọi cơ hội. Họ tập trung vào điều thực sự quan trọng – thứ tạo ra tác động lâu dài và kết nối sâu sắc với hành trình của bản thân.
02. “Hành động có chủ đích là làm với sự thấu cảm”
Tại trang thứ 99 của cuốn sách, Seth Godin có viết: "Ta không chỉ làm việc này vì chính bản thân, ta làm việc này để giúp người khác. Đó là lý do khiến việc 'người khác' là ai lại quan trọng đến thế." Câu nói này gợi nhắc rằng mình rằng, để thành công trong vai trò một solo creator, mình cần phải nhìn nhận sâu sắc hơn về đối tượng mà mình phục vụ.
Hành động với sự thấu cảm không chỉ đơn thuần là hoàn thành công việc một cách kỹ thuật, mà còn là thực sự hiểu cảm xúc, nhu cầu và kỳ vọng của khán giả, khách hàng, cũng như những người đồng hành trong hành trình sáng tạo của mình.
Trong tâm lý học và nghiên cứu người dùng, khái niệm Empathy Mapping (Bản đồ thấu cảm) được áp dụng để giúp các nhà sáng tạo và doanh nghiệp hình dung rõ hơn suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của đối tượng mục tiêu. Bằng cách xác định những gì mà người khác đang trải qua, mình có thể tạo ra nội dung và sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của họ.
Điều này không chỉ tạo ra giá trị thực sự mà còn xây dựng lòng tin và mối liên kết sâu sắc hơn với cộng đồng.
Chẳng hạn, khi mình viết một bài blog hay làm một video, mình không chỉ đơn thuần chia sẻ kiến thức hay kinh nghiệm của bản thân. Mình cần đặt mình vào vị trí của khán giả: Họ đang tìm kiếm điều gì? Họ đang cảm thấy như thế nào khi đối diện với những thách thức mà mình đang đề cập? Những câu hỏi này giúp mình xác định được nội dung cần truyền tải và cách thể hiện nó sao cho phù hợp nhất với cảm xúc và tình huống của họ.
Và một trong những điều thú vị mình phát hiện ra khi hành động với sự thấu cảm là khả năng nhìn nhận được các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Hơn 3 năm qua, mình đã học được rằng không phải lúc nào mình cũng đúng, việc chấp nhận và comfortable - thoải mái với những ý kiến trái chiều là một phần quan trọng mình cần cầu thị, lắng nghe và học hỏi. Và mình cũng không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi những điều đó nữa khi mình biết, mình muốn gì và đang làm gì.
Lời kết
Cuốn sách "THE PRACTICE - Ta giấu sáng tạo ở đâu?" của Seth Godin đã mang đến cho mình những góc nhìn sâu sắc về quá trình sáng tạo mà mình chưa đào sâu trước đó. Godin không chỉ đơn thuần nói về bản chất của lao động sáng tạo mà còn khuyến khích người đọc tự đánh giá khả năng sáng tạo của chính mình một cách thực tế hơn.
Điều này khiến mình liên tưởng đến những Solo Expert nổi tiếng như chị Linh Phan, Dan Koe hay Jay Clouse, những người đã thành công trong việc xây dựng cộng đồng xung quanh các giá trị và ý tưởng mà họ chia sẻ. Họ không chỉ sáng tạo ra nội dung chất lượng mà còn tạo ra những kết nối sâu sắc với người theo dõi của mình.
Mình cũng cảm nhận được rằng trong bối cảnh thị trường Việt Nam hiện nay, nơi có nhiều người đang tìm kiếm con đường sáng tạo, thông điệp của Godin càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các creator tại Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới, nhưng đồng thời cũng cần phải tìm ra con đường riêng của mình.
Cuốn sách của Godin không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nhắc nhở mình về tầm quan trọng của việc kết nối với những người xung quanh và tạo ra ảnh hưởng tích cực. Sự sáng tạo thực sự không chỉ là thành quả cá nhân mà còn là một phần của cộng đồng lớn hơn, nơi mà chúng ta có thể cùng nhau phát triển và chia sẻ những giá trị ý nghĩa.
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận của bạn hoặc câu hỏi cho mình biết.
Nếu bạn muốn sở hữu và chiêm nghiệm thêm về cuốn sách, mình để link đây nhé.
Tìm hiểu và kết nối thêm với RIOBook: Tại đây
Xem thêm:
ôi đọc bài này mình take note được nhiều điều hay và thú vị quá. cảm ơn bạn vì đã chia sẻ, mình sẽ đặt sách để đọc thêm