Tích lũy nhỏ, bứt phá lớn: Hành trình viết Blog bền vững trên Substack
Có một điều mà ít ai nói đến khi nhắc về bứt phá – đó là sự bứt phá chỉ thực sự xảy ra khi bạn hiểu rõ giới hạn của bản thân và tập trung vào những gì bạn giỏi nhất.
1. Bứt phá không nhất thiết phải diễn ra nhanh chóng
Trước khi mình bắt đầu viết blog trên Substack, mình luôn nghĩ rằng “bứt phá” đồng nghĩa với sự tăng trưởng nhanh, với việc bài viết phải viral, được nhiều người chia sẻ ngay lập tức.
Nhưng thực tế, sau một thời gian viết đều đặn, mình nhận ra rằng bứt phá không nhất thiết phải đến từ sự nổi lên nhanh chóng, mà từ sự kiên trì và chiến lược dài hạn.
Nếu bạn nhìn vào hành trình của những nhà sáng tạo nội dung thành công như Tim Urban với blog Wait But Why hay James Clear – tác giả của Atomic Habits, bạn sẽ thấy rằng thành công của họ không đến ngay sau một đêm.
Cả hai đều kiên trì xây dựng nội dung trong nhiều năm, tạo ra những bài viết sâu sắc và mang lại giá trị cho độc giả.
Sự bứt phá đến từ quá trình tích lũy, từng bước một, không phải từ những con số tăng trưởng ấn tượng chỉ trong vài tháng.
Thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 90% các nhà sáng tạo nội dung thành công đều có sự phát triển chậm rãi nhưng ổn định trong thời gian dài. Điều này giúp họ không chỉ thu hút người đọc, mà còn giữ chân được một cộng đồng trung thành và tương tác lâu dài.
Mình cũng đã trải nghiệm điều này với Substack của mình. Cứ qua mỗi bài viết, mình lại học được nhiều điều mới, đúc rút kinh nghiệm từ những điều làm chưa tốt, thử nghiệm rồi cải tiến, càng làm tư duy và kỹ năng của mình càng được cải thiện hơn, và có lẽ điều đó được thể hiện qua những sự đón nhận của các độc giả.
2. Bứt phá đến từ sự hiểu rõ chính mình
Có một điều mà ít ai nói đến khi nhắc về bứt phá – đó là sự bứt phá chỉ thực sự xảy ra khi bạn hiểu rõ giới hạn của bản thân và tập trung vào những gì bạn giỏi nhất.
Trong một thế giới đầy sự cạnh tranh và áp lực, mình cũng từng rơi vào tình trạng cố gắng làm nhiều thứ cùng lúc, từ viết bài hàng tuần, đến làm đa dạng loại chủ đề, nội dung trên mạng xã hội, và thậm chí là thử nghiệm nhiều cách quảng bá khác nhau. Nhưng cuối cùng, mình nhận ra rằng, thay vì chạy theo tất cả mọi thứ, tập trung vào thế mạnh của bản thân mới là con đường bền vững.
Đối với mình, thế mạnh nằm ở khả năng hệ thống hóa thông tin và chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Việc hiểu rõ mình giỏi gì và đam mê gì giúp mình tối ưu hóa thời gian và năng lượng, thay vì cố gắng làm những việc không thuộc sở trường.
Câu chuyện của Ben Thompson, người sáng lập blog Stratechery, là một ví dụ điển hình về việc bứt phá bằng cách tập trung vào thế mạnh của mình. Thompson không cố gắng chạy theo các xu hướng hay xuất bản nội dung hàng ngày. Thay vào đó, anh ấy tập trung vào mảng phân tích chiến lược công nghệ – một lĩnh vực mà anh ấy đã có nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc.
Và nhờ sự kiên trì trong việc theo đuổi lĩnh vực này, anh đã thu hút được hàng nghìn độc giả trung thành, biến blog của mình trở thành một nguồn thông tin uy tín.
Với mình, bứt phá không đến từ việc cố gắng làm tất cả mọi thứ, mà đến từ việc đào sâu vào lĩnh vực mình đã am hiểu và làm tốt nhất. Khi bạn hiểu rõ điểm mạnh của mình, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo ra giá trị thực sự cho độc giả, từ đó bứt phá trong việc xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và bền vững.
3. Bứt phá đến từ những thay đổi nhỏ, nhưng liên tục
Khi bắt đầu viết blog, mình luôn nghĩ rằng bứt phá phải đến từ những thay đổi lớn – như việc viết một bài viết thật xuất sắc, thiết kế phải thật đẹp,… Nhưng qua thời gian, mình nhận ra rằng bứt phá thật sự đến từ những thay đổi nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày.
Bởi vì nhìn lại 1 năm trước, ôi, những bài, chiếc ảnh bìa đầu tiên, còn sơ sài, bố cục, thông điệp bài cũng còn lan man, dài dòng và thiếu logic,…nhìn chung là amarteur - nghiệp dư lắm.
James Clear từng chia sẻ rằng, việc cải thiện chỉ 1% mỗi ngày có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong dài hạn. Mình đã thử áp dụng tư duy này vào quá trình viết blog trên Substack của mình, và kết quả thật sự đáng ngạc nhiên.
Thay vì đặt áp lực phải viết một bài thật xuất sắc ngay lập tức, mình tập trung vào việc cải thiện từng chi tiết nhỏ – từ việc tối ưu hóa tiêu đề, đến việc tương tác với độc giả thường xuyên hơn.
Một ví dụ gần đây mình học được từ blog của Matt Gray, người sáng lập Founder’s System. Anh ấy chia sẻ rằng thay vì cố gắng tạo ra những cú hích lớn, anh tập trung vào việc duy trì thói quen nhỏ hàng ngày.
Điều này giúp anh không chỉ duy trì sự sáng tạo mà còn giúp tạo ra một hệ thống làm việc bền vững. Matt tin rằng bứt phá đến từ những bước tiến nhỏ, đều đặn – và điều này hoàn toàn đúng với hành trình viết blog của mình.
Mình cũng áp dụng tư duy này khi mới bắt đầu viết trên Substack. Mỗi ngày, mình không cần phải viết xong một bài dài hay tạo ra nội dung, ảnh bìa hoàn hảo, Thay vào đó, mình chỉ cần hoàn thành một phần nhỏ – có thể là một đoạn mở đầu, hoặc chỉnh sửa một phần của bài viết cũ, đọc thêm những bài viết của người khác, suy ngẫm đúc kết vì sao họ viết được như vậy. Sau vài tuần, mình nhận ra rằng sự thay đổi dần dần đã tạo ra những kết quả bền vững.
4. Lời kết
Viết blog trên Substack, hay bất kỳ nền tảng nào, đều là một hành trình dài hạn. Bứt phá không chỉ đến từ những thành công tức thì, mà đến từ việc hiểu rõ bản thân, kiên trì với hành trình và không ngừng cải thiện từng ngày.
Đối với mình, bứt phá không chỉ là con số người đọc hay số lượng bài viết, mà là sự kết nối sâu sắc với độc giả và tạo ra giá trị, giải pháp thực tế thông qua các bài viết hay sản phẩm, dịch vụ của mình.
Hy vọng rằng, bạn sẽ kiên trì và bền bỉ với hành trình “cầm bút” của chính mình, có rất nhiều người đang cần những bài học kinh nghiệm và trải nghiệm của bạn đấy.
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận của bạn hoặc câu hỏi cho mình nhé!
hay quá
Em đọc bài chị Phương 2 lần, và em thực sự rất tâm đắc bài viết này của chị Phương ở câu nói này. Trước đây, em cũng từng nghĩ khi xây dựng Nội dung, mình phải cố gắng làm phong phú nội dung hay kiểu chạy theo trend, cố gắng làm nhiều nhất có thể, mà nên bắt đầu với những gì mình có, thế mạnh của mình. Có thể bắt đầu không hay, bìa không đẹp, nhưng dần dần nó sẽ trở thành một hành trình riêng của chính mình. Cảm ơn chị Phương vì bài viết gần gũi nhưng sâu sắc này ạ !