8 thử thách thường gặp khi mới bắt đầu trang Substack và cách để vượt qua
Thực ra cho đến bây giờ mình vẫn còn áp lực này, chỉ là sau mỗi bài viết lại cố gắng học được cách giảm bớt áp lực đó xuống, không còn quá đặt nặng về việc phải hoàn hảo nữa.
Bắt đầu một trang Substack có thể mang đến nhiều sự hứng khởi khi bạn được tự do sáng tạo và chia sẻ những nội dung mà mình yêu thích. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng, đặc biệt là khi bạn mới bước chân vào.
Những ai đã từng trải qua quá trình xây dựng Substack từ đầu sẽ hiểu rõ những khó khăn và thử thách mà họ phải đối mặt.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ 8 thử thách phổ biến nhất từ chính trải nghiệm cá nhân, cũng như từ việc mentoring cho nhiều case study. Đây là những vấn đề mà bạn có thể sẽ gặp phải khi bắt đầu hành trình với Substack và cách để vượt qua chúng.
1. Thiếu định hướng rõ ràng về nội dung
Một trong những khó khăn lớn nhất khi mới bắt đầu Substack là tìm ra chủ đề và hướng đi phù hợp cho bản thân. Bạn có thể có nhiều sở thích và ý tưởng, nhưng việc xác định một lĩnh vực cụ thể để khai thác không phải là điều dễ dàng.
Một số creator bắt đầu bằng cách thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau, nhưng lại rơi vào tình trạng lạc hướng và mất tập trung.
Khi bạn biết mình muốn viết về chủ đề gì và ai là đối tượng đọc chính của mình, bạn sẽ dễ dàng xây dựng kế hoạch nội dung và duy trì sự nhất quán hơn.
Đọc thêm:
2. Khó khăn trong việc thu hút độc giả đầu tiên
Bắt đầu một trang Substack từ con số 0 đồng nghĩa với việc bạn chưa có sẵn một lượng khán giả để đón nhận nội dung của mình.
Mình thường chia sẻ với các anh chị mentee rằng, giống như việc xây một ngôi nhà, bạn phải hoàn thành nó trước rồi mới mời mọi người đến tham quan.
Tương tự, hãy bắt đầu bằng cách viết và đăng tải tối thiểu 10 bài viết chất lượng. Đây là cách để tạo nền tảng vững chắc trước khi tìm cách thu hút khán giả.
Một vài chiến lược có thể giúp bạn vượt qua thử thách này bao gồm:
Chia sẻ nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cá nhân của bạn để tăng cơ hội tiếp cận.
Tham gia và kết nối với các cộng đồng cùng chủ đề, từ đó giới thiệu trang Substack của mình.
Tập trung vào chất lượng nội dung và kiên trì đăng tải đều đặn, ngay cả khi ban đầu lượng người đọc chưa nhiều.
Kiên trì và nhất quán chính là chìa khóa giúp bạn dần thu hút và giữ chân những độc giả đầu tiên.
Đọc thêm:
3. Tư duy hệ thống để đi đường dài
Xây dựng một cộng đồng độc giả trung thành trên Substack không phải là cuộc đua nước rút mà là một cuộc chạy marathon. Việc phát triển lượng người đăng ký và xây dựng thương hiệu cá nhân đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và một tư duy hệ thống.
Nhiều người mới bắt đầu thường mong đợi những kết quả tức thì, nhưng thực tế, thành công trên Substack là kết quả của quá trình đầu tư lâu dài và bền vững. Hãy hình dung như bạn đang gieo hạt giống, cần thời gian để cây lớn và ra quả.
Nếu bạn có thể duy trì sự kiên định và tập trung vào việc cung cấp giá trị cho độc giả, chắc chắn bạn sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng
Đọc thêm:
4. Thử thách về tần suất viết bài
Khi mới bắt đầu, nhiều người cảm thấy hứng khởi và có thể đăng tải bài viết liên tục. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn có thể rơi vào tình trạng kiệt sức hoặc mất ý tưởng. Việc duy trì tần suất viết bài đều đặn mà không cảm thấy quá tải là một thử thách lớn.
Bạn hãy thử:
Thiết lập lịch viết hợp lý:
Đánh giá khả năng của mình: Xác định số lượng bài viết bạn có thể hoàn thành chất lượng trong một tuần hoặc một tháng.
Lên lịch cụ thể: Chọn những ngày trong tuần để viết và dành ra một khoảng thời gian cố định cho mỗi lần viết.
Tạo ngân hàng ý tưởng:
Ghi chép thường xuyên: Luôn ghi lại những ý tưởng hay, những câu hỏi thú vị, hoặc những sự kiện đáng chú ý mà bạn muốn chia sẻ.
Phân loại ý tưởng: Sắp xếp các ý tưởng theo chủ đề hoặc theo mức độ ưu tiên.
Tái sử dụng ý tưởng cũ: Đôi khi, những ý tưởng cũ có thể được phát triển và làm mới.
5. Khó khăn trong việc quản lý phản hồi và ý kiến
Một khi trang Substack của bạn bắt đầu thu hút được độc giả, bạn sẽ nhận được những phản hồi từ họ. Điều này có thể là tích cực, nhưng đôi khi cũng sẽ có những ý kiến tiêu cực hoặc không đồng ý với quan điểm của bạn. Đây là thử thách về tinh thần mà bất kỳ creator nào cũng phải đối mặt.
Cách tốt nhất để xử lý tình huống này là biết lắng nghe và học hỏi từ phản hồi, nhưng đồng thời cũng giữ vững lập trường cá nhân. Không phải mọi ý kiến đều đúng hoặc phù hợp với hướng đi của bạn, nhưng những phản hồi tích cực có thể giúp bạn cải thiện nội dung và tạo ra nhiều giá trị hơn cho độc giả.
6. Áp lực từ việc viết hay
Khi mới bắt đầu, bạn có thể cảm thấy áp lực khi muốn mỗi bài viết đều phải thật hay và hoàn hảo. Bạn sợ rằng nếu viết không đủ tốt, độc giả sẽ không quay lại và thậm chí hủy đăng ký. Tuy nhiên, việc này có thể khiến bạn mất đi sự tự nhiên và sáng tạo.
Thực ra cho đến bây giờ mình vẫn còn áp lực này, chỉ là sau mỗi bài viết lại cố gắng học được cách giảm bớt áp lực đó xuống, không còn quá đặt nặng về việc phải hoàn hảo nữa, mà hãy tập trung vào việc viết thật chân thành, chia sẻ những điều thật sự có giá trị với độc giả.
Đọc thêm:
7. Thử thách về việc kiếm tiền từ Substack
Một trong những điểm hấp dẫn của Substack là khả năng biến đam mê viết lách thành nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ Substack không đơn thuần chỉ là viết và đăng bài.
Để thành công, bạn cần xây dựng một cộng đồng độc giả trung thành, những người thực sự quan tâm đến những gì bạn chia sẻ. Substack là một nền tảng long-form, đòi hỏi bạn có kiến thức và kinh nghiệm thực tế ở một lĩnh vực nổi bật nào đó để cung cấp giá trị độc đáo.
Đừng quá tập trung vào việc kiếm tiền ngay từ đầu, hãy tập trung vào việc xây dựng chất lượng content, hình ảnh, trải nghiệm đọc và mối quan hệ với độc giả của bạn. Khi bạn đã có một cộng đồng vững mạnh, cơ hội monetize sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và bạn có thể thử bán các sản phẩm kỹ thuật số như:
Ebook: Chuyển đổi những bài viết chất lượng của bạn thành ebook và bán chúng trên các nền tảng như Gumroad hoặc trực tiếp làm google form và bán trên Substack.
Khóa học trực tuyến: Tạo các khóa học online về những chủ đề mà bạn am hiểu, bao gồm cả video hướng dẫn, tài liệu học tập, và các bài tập thực hành.
Template: Nếu bạn có các template thiết kế, mẫu tài liệu, hoặc các công cụ hữu ích, hãy bán chúng cho độc giả của bạn.
Bạn có thể ghé qua Mera Library để tham khảo cách mình đang làm:
8. Vượt qua sự mơ hồ và nghi ngờ bản thân
Một trong những thách thức tinh thần lớn nhất khi bắt đầu xây dựng trang Substack là đối diện với sự mơ hồ và những nghi ngờ về chính mình. "Liệu nội dung mình viết có đủ hay không? Liệu mình có thể duy trì sự nhất quán và phát triển trang lâu dài?" – đây là những câu hỏi mà rất nhiều creator mới bắt đầu đều tự hỏi.
Sự thiếu chắc chắn này dễ khiến bạn cảm thấy chùn bước và nghi ngờ năng lực của bản thân.
Tuy nhiên, thực tế là bất kỳ hành trình nào cũng đều bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Bạn không cần phải hoàn hảo ngay từ đầu. Thay vào đó, hãy cứ làm, cứ thử nghiệm và không ngừng chỉnh sửa, cải thiện qua từng bước. Mỗi ngày, tiến một chút, viết thêm một bài, quan trọng nhất là sự kiên trì và niềm tin vào bản thân.
Dần dần, với mỗi bài viết, bạn sẽ tích lũy kinh nghiệm, tiến bộ và trang Substack của bạn sẽ ngày càng phát triển theo hướng tốt hơn.
Nhớ lại 11 tháng trước khi mới bắt đầu trang Substack của mình, ảnh bìa thì không đẹp mắt, nội dung bài viết còn nhiều chỗ lủng củng, và mình cũng chưa biết tận dụng hết các tính năng của nền tảng. Nhưng sau mỗi bài viết, mình luôn cố gắng cải thiện, học hỏi và điều chỉnh, đồng thời chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm ấy với các anh chị học viên khác.
Chính sự kiên trì trong việc không ngừng cải thiện đã giúp mình và trang Substack dần phát triển.
Đọc thêm:
Lời kết
Viết, chỉnh sửa, và luôn tìm cách để hoàn thiện hơn từ nội dung đến hình thức, đó là những gì mình đã kiên trì làm suốt gần 12 tháng qua. Mỗi bài viết không chỉ là một lần mình truyền tải ý tưởng mà còn là một quá trình mài giũa, học hỏi, và cải thiện không ngừng. Nhìn lại hành trình đã qua, mình thấy rõ những bước tiến tuy nhỏ nhưng bền vững, từng bước một giúp mình tiến gần hơn đến mục tiêu.
Bắt đầu một trang Substack không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách từ việc định hình nội dung, thu hút độc giả, đến việc quản lý thời gian và cả cảm xúc cá nhân. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy lạc lối, tự nghi ngờ bản thân, hoặc không chắc chắn liệu những gì mình đang làm có giá trị hay không.
Nhưng chính những khoảnh khắc đó, sự kiên trì và lòng dũng cảm mới thật sự quan trọng. Bởi vì hành trình này không phải chỉ là về việc có được một lượng lớn người đăng ký hay một bài viết viral, mà là về việc bạn từng bước xây dựng một cộng đồng tin tưởng vào giá trị mà bạn mang lại.
Có một điều mình luôn tin tưởng, đó là sự tiến bộ không đến từ những bước nhảy vọt, mà từ những cải thiện nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày. Từng bài viết, từng lần chỉnh sửa, từng phản hồi từ độc giả đều là những viên gạch giúp bạn xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển dài hạn. Vậy nên, nếu bạn đang trên con đường này, hãy luôn nhớ rằng mỗi nỗ lực, dù nhỏ đến đâu, đều có giá trị.
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận của bạn hoặc câu hỏi cho mình nhé!
Xem thêm:
➤ Khóa học BrandYou:
Dành cho những người mới bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Khóa học giúp bạn định hình và hệ thống hóa các nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu cá nhân một cách chân thật và bền vững.
➤ Chương trình 1:1 System to Rebrand:
Dành cho những ai đã có thương hiệu cá nhân nhưng muốn tái định vị và nâng cấp, chương trình đồng hành 1:1 đi từ cốt lõi cho đến chiến lược dài hạn.
➤ Dịch vụ Solo Expert Solutions:
Dành cho solo expert muốn nâng cấp chuyên môn và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Các dịch vụ bao gồm: thiết kế Thumbnail Substack, sản xuất Podcast, lập kế hoạch sự kiện online, xây dựng blog trên Substack và tùy chỉnh Landing Page.
Hoàn toàn đồng cảm vs những gì bạn chia sẻ, mình cũng học hỏi đc nhiều từ nội dung và phong cách của bạn. Keep it up nha!
Mình cũng đang mò mẫm làm substack, search gg thấy những chia sẻ về substack của bạn đầu tiên, rất là thích style thiết kế và sự chân thành trong các bài viết của Mera.