Điều gì đã giúp tôi vượt qua tất cả khó khăn
Mọi người nhìn vào có lẽ thấy tôi thật “đầy đủ" nhưng thực ra trong tôi hoàn toàn trống rỗng, tôi chẳng có những trải nghiệm thực tế, chính kiến riêng và dường như cũng không biết mình đang sống vì đi
”Tôi đã từng đánh mất chính mình,
Rồi… ai mang bạn quay trở lại?
Cũng là tôi…”
/Bài viết được trích từ cuốn sách “Không có Sông quá dài” mà mình may mắn được là đồng tác giả/
Tuổi thanh xuân
Dường như ai đã gặp và trò chuyện với tôi bây giờ sẽ khó lòng biết được tôi trước đây như thế nào. Tôi có lẽ là một trong số những hình mẫu điển hình của một người trẻ thời hiện đại đã “đánh mất bản thân” vì những khuôn mẫu của xã hội, từ khái niệm “cuộc sống ổn định” của gia đình, đến so sánh bản thân với những người khác trên mạng xã hội, rồi quá tải khi có quá nhiều sự lựa chọn và cơ hội có sẵn, dẫn đến không biết mục đích cuộc sống của bản thân là gì.
Tôi đã từng lạc lối và chẳng biết mình đang đi về đâu. Nhưng may mắn trên hành trình suýt bị lạc trôi giữa biển lớn ấy, tôi gặp được rất nhiều sự giúp đỡ, để tự biết cách quay trở về với chính mình.
18 năm học lớp chọn, đạt nhiều giải thưởng các cuộc thi, nhận được nhiều lời khen, sống trong một gia đình đầy đủ, tôi được xem là “một đứa trẻ ngoan", “con nhà người ta",... nhưng dường như trong tôi chưa từng cảm thấy vui hay hạnh phúc thực sự từ những chức danh hay giải thưởng.
Tôi còn nhớ mùa xuân cuối cấp 3 - những tháng ngày lựa chọn ngành học, khi thấy bạn bè chọn những ngành hot lúc đó, tôi đã đăng ký theo họ. Dù mẹ có lo lắng và nhắc tôi nhiều lần là “con hãy quyết định trường con thích”, nhưng thành thực là lúc ấy tôi vô cùng mông lung và bối rối không biết nên học ngành gì. Tôi thích vẽ lắm nhưng khi nghe ai đó nói là: “Học Mỹ thuật ra trường chẳng có công việc ổn định và tương lai”, tôi lại thôi ý định đó.
Mọi người nhìn vào có lẽ thấy tôi thật “đầy đủ" nhưng thực ra trong tôi hoàn toàn trống rỗng, tôi chẳng có những trải nghiệm thực tế, chính kiến riêng và dường như cũng không biết mình đang sống vì điều gì.
Vài tháng sau, thời điểm thi đại học cũng đã kết thúc, trên chuyến bay từ Sài Gòn trở về nhà cách đây 8 năm trước - tôi vẫn nhớ rõ đó là một buổi chiều hoàng hôn đầy nắng. Lần đầu tiên đi máy bay, lần đầu được thấy những tòa nhà cao tầng chọc trời, tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, nhìn những đám mây trên bầu trời cao rộng lớn; lòng tôi tràn đầy khao khát được đi và trải nghiệm cuộc sống, nhưng cũng trong khoảnh khắc ấy, tôi biết rằng mình vừa rớt đại học.
Nỗ lực với những lựa chọn
Tôi lựa chọn nguyện vọng 2 là một ngành truyền thống của gia đình, bởi vì tôi chỉ biết là ra trường sẽ có một công việc và cuộc sống ổn định. Năm đầu tiên đại học, tôi đã nhận ra mình không phù hợp với ngành này, tuy nhiên cũng chưa biết mình thực sự muốn gì; tôi vẫn nhớ như in cảm giác trong tôi lúc đó là một sự quyết tâm rằng, “sẽ không đánh mất mình nữa”.
Tôi tự học tiếng Anh và đến các câu lạc bộ tiếng Anh mỗi ngày, tôi xin đi làm part-time không lương để lấy thêm các kinh nghiệm, đăng ký tham gia tất cả các sự kiện, các dự án, các câu lạc bộ kỹ năng để học hỏi và trải nghiệm, tôi xung phong tình nguyện làm bất kể vị trí gì, để được có thêm kinh nghiệm. Có những chương trình tôi bị từ chối, có khi bị lừa, có khi bị đối xử bất công và nhận được nhiều lời chê bai,... nhưng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội khác.
Tôi chưa từng có suy nghĩ thất vọng hay cảm thấy buồn vì những điều không tốt xảy đến với mình, tôi biết được hướng đi cần đến của mình, và những điều đó là những bài học quý giá đã xảy đến sớm với tôi để tôi được học. Trang giấy trắng tôi vốn không biết viết gì lên đó nay đã có thêm một vài dấu chấm rồi, cả những mảng màu sáng lẫn màu tối, cả những đắng cay ngọt bùi nhưng tôi vui lắm.
Sau những nỗ lực đó, tôi được chọn là một trong 15 sinh viên tham gia Cultural Exchange Program giữa trường đại học của tôi và Trường Đại học South Florida (Mỹ), chỉ có năm sinh viên không thuộc ngành Ngoại ngữ được tham gia, và tôi may mắn là một trong năm người đó.
Sự cố gắng hàng ngày trong Câu lạc bộ tiếng Anh đã khiến anh chủ nhiệm chú ý tới và giới thiệu cho tôi cơ hội này, ngành Luật ở trường tôi lúc đó vốn rất ít sinh viên năm nhất có thể giao tiếp, đọc hiểu được tiếng Anh. Tuy chưa sẵn sàng nhưng tôi đã nắm bắt lấy cơ hội đó. “Cứ say yes rồi tính sau”, tôi nghĩ như vậy đấy.
Và đó là bước ngoặt đã thay đổi con người tôi, hai tuần được cùng sống, học tập và trải nghiệm các chuyến đi đến các tỉnh, thành phố khác nhau ở Việt Nam cùng các bạn sinh viên Mỹ và các giáo sư đã mở mang tâm trí và tư duy của một cô bé ở vùng núi mới lên thành phố như tôi rất nhiều. Lúc này, chưa bao giờ tôi thấy dòng sông tri thức và trải nghiệm trước mắt mình rộng lớn đến như vậy.
Sau chuyến đi đó, các cơ hội liên tục đến, tôi bắt đầu công việc đầu tiên từ năm nhất là làm trong một tổ chức cộng đồng, từ Head of Branch đến Project Manager cho tám chi nhánh khác. Tuổi 19, một lúc điều hành các dự án cho ba nhóm tổ chức khác nhau, mọi người ở Bắc Trung Nam và ở nước ngoài.
Những tháng ngày đại học, thành thực là tôi rất ít khi có mặt ở giảng đường, cứ ba tháng tôi lại đi công tác, làm những dự án cộng đồng, phi lợi nhuận từ 20 người, đến 200 người, 5000 người rồi 10.000 người tham gia trực tiếp. Đó là những dự án tổ chức các chuyến đi về các làng nghề đã bị bỏ quên, những chuyến đi cùng các bạn trẻ đến các khu di tích lịch sử ở Hà Tĩnh, những sự kiện Nhảy! Vì sự Tử Tế được tổ chức cùng lúc ở bốn tỉnh thành phố, những dự án học tiếng Anh ở làng trẻ em SOS, các chương trình kỹ năng mềm cho gần 1000 em học sinh tại Trung học phổ thông Nam Đàn và Trung học phổ thông Lý Tự Trọng,...
Có những lúc vừa xuống xe là tôi chỉ vừa kịp chạy vào phòng thi để làm bài kiểm tra cuối kỳ. Tôi đã chủ động kế hoạch cho những việc như học lại, thi lại và ra trường muộn một năm so với bạn bè đồng trang lứa. Cuộc sống 5 năm đại học tuy không được xếp top sinh viên, đạt các danh hiệu, giải thưởng,...nhưng lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được sống, được lắng nghe và giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, một trong những điều khó khăn tôi từng gặp phải là kể từ khi tôi biết mình muốn gì, tôi có những quyết định và quan điểm khác biệt với gia đình, bố mẹ. Cho dù làm được bao nhiêu điều bên ngoài, nhưng cảm giác chưa được bố mẹ hiểu và ủng hộ từng khiến tôi buồn tủi rất nhiều. Bố mẹ hơn tôi 40 tuổi, làm trong những ngành cần sự cẩn trọng và an toàn, khoảng cách thế hệ và sự khác biệt những khái niệm về khuôn mẫu cuộc sống cũng rất lớn.
May mắn là tôi có cơ hội được trò chuyện với rất nhiều phụ huynh trước đó khi đi làm các dự án, vậy nên tôi hiểu những suy nghĩ của bố mẹ mình. Tôi không trách bố mẹ mà tôi chọn cách chủ động tự mình rút ngắn sợi dây khoảng cách đó, tôi chia sẻ với bố mẹ những điều mình làm hàng ngày.
Tôi kể về, “con đã được gặp và trò chuyện với giáo sư – nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, con được đến những nơi rất đẹp và thiêng liêng trong những chuyến đi công tác, những chương trình con tổ chức có cả các thầy cô giáo hiệu trưởng, chuyên viên tiếng Anh của Sở Giáo dục tham gia,”...Và cứ mỗi dịp đặc biệt, tôi sẽ viết hai lá thư tay gửi riêng cho bố và mẹ. Dần dần, bố mẹ thấy được sự thay đổi và trưởng thành trong tôi.
Sau những năm tháng gắn bó và trải nghiệm, họ đã trở thành nguồn động lực giúp tôi vững tin trên con đường mình chọn và sẵn sàng thử sức bản với những thách thức mới.
Vào một ngày đầu tháng 2, tôi nhận được email thư ngỏ từ người thầy đặc biệt, Giáo sư Phan Văn Trường, trong tôi xen lẫn niềm vui lẫn sự lo lắng và hồi hộp vì chưa từng khởi nghiệp và đây lại là chủ đề cuốn sách hướng tới, tôi bày tỏ nỗi lo lắng này với thầy và thầy bảo rằng:
- Không sao, con có thể tiếp cận chủ đề này với góc nhìn khác.
Lời động viên của thầy khiến tôi tự tin hơn và lục lọi lại những trải nghiệm trước đây để chọn lọc xem mình nên viết và chia sẻ điều gì.
Con đường dài phía trước
Là tác giả trẻ tuổi nhất có vinh dự được chia sẻ trong cuốn sách này, mặc dù chưa từng có kinh nghiệm khởi nghiệp một công ty nào, nhưng trong hơn bảy năm làm leader tại nhiều môi trường, tổ chức, công ty và lĩnh vực khác nhau, có cơ hội hỗ trợ sát sao những người đứng đầu các doanh nghiệp startup, các tổ chức, tôi thực lòng dành sự ngưỡng mộ và quý mến đến những người đã và đang làm công việc này.
Họ là những người không ngừng nỗ lực để thực hiện những lý tưởng, ước mơ của mình và vượt qua mọi khó khăn để đưa đội ngũ của mình phát triển hơn. Họ không ngừng tìm kiếm giải pháp hữu ích và thực tế cho xã hội, đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội và đánh dấu những sự thay đổi tích cực cho nền kinh tế.
Cho tới bây giờ, tôi cũng chưa biết liệu trong tương lai tôi sẽ quyết định khởi nghiệp hay không, thời điểm nào là phù hợp để tôi bắt đầu một business,... Hay liệu chỉ có duy nhất con đường khởi nghiệp mới có thể đóng góp cho cộng đồng và xã hội? Tôi nghĩ rằng, bằng cách sử dụng tài năng, kỹ năng và đam mê của mình, mỗi người vẫn có thể đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra những giá trị mới và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khác.
Nhưng điều quan trọng là mỗi người sẽ tìm ra cách đóng góp phù hợp với bản thân và tài năng của họ. Chúng ta có thể đóng góp bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, hoặc tạo ra sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa đối với cộng đồng,...
Tuy nhiên, một thực tế là không phải ai cũng biết rõ mục tiêu của mình và cách đóng góp phù hợp với tài năng của mình. Đặc biệt, với những người trẻ như tôi, việc tìm kiếm mục tiêu và định hướng trong cuộc sống có lẽ là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực.
Dòng sông mà tôi từng đi qua là những khuôn mẫu của xã hội, là mong muốn “cuộc sống ổn định” của gia đình, là sự so sánh bản thân với những người khác, là sự choáng ngợp khi có quá nhiều sự lựa chọn và cơ hội, là sự chịu đựng luôn cố gắng làm hài lòng những kỳ vọng của người khác,... Tôi đã từng đánh mất mình trong những điều đó và cũng đã chính tôi tự đưa mình quay trở lại.
Tôi tin rằng cuộc sống này là chuỗi của những sự lựa chọn, và cho dù có đứng trước những khó khăn hay cơ hội, mong bạn hãy can đảm quyết định để dấn thân, mong bạn đừng từ bỏ chính mình, bởi nếu bạn bị lạc trôi trên bất cứ một dòng sông nào, đó có thể là dòng sông của quyền lực, dòng sông của tham vọng, ước muốn,... cho dù có nhận được sự giúp đỡ của ai khác thì sau cùng, sẽ chỉ có bạn tự đưa bản thân quay trở về.
Hãy chọn tin tưởng vào bản thân và đừng ngại thử nghiệm những điều mới mẻ để tìm ra con đường đúng đắn cho mình.
Có một đoạn trích tôi luôn lấy làm kim chỉ nam cho bản thân:
"Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ và vẻ đẹp của đời là cho đi."
(William Arthur Ward)
Vậy nên…
“Nhìn lại phía sau, có kinh nghiệm.
Nhìn lên phía trước, thấy hy vọng.
Nhìn ra xung quanh, tìm được thực tại.
Nhìn vào bên trong, tìm thấy chính mình”.
“Chúng ta sẽ chỉ thấy chính mình khi đã làm một việc gì đó mà thôi”
(G.S Phan Văn Trường), mong rằng những ai đang đọc những dòng này sẽ có thật nhiều những trải nghiệm phong phú và sâu sắc, hãy cứ hồn nhiên và tích cực đón nhận những khó khăn hay cơ hội, tôi tin rằng những điều đã - đang và sẽ xảy đến đều có một vai trò, một ý nghĩa đối với bạn.
Mera Cao
Cao Hồng Phương
-Trích Sách Không có Sông quá dài-
"Cho bạc cho vàng chứ không ai trỏ đàng đi buôn".
Khác với những lời hô hào "hãy khởi nghiệp đi", thì mỗi tác giả đều rất tâm huyết khi chia sẻ những câu chuyện thực tế họ đã trải qua: Những khó khăn về vốn, cách xử lý quan hệ giữa người và người, về cách chọn lựa sản phẩm để bắt đầu, rằng không phải chỉ cần chuyên môn cao là sản phẩm sẽ được thị trường đón nhận....
-NXB Trẻ-
➥ Bạn có thể đặt mua sách tại đây.
Xem thêm:
đọc bài này, đặc biệt những thông điệp cuối chạm lắm chị ạ, cảm ơn c Mera vì đã chia sẻ về hành trình của chị