Đi ngược dòng: Trở về nhịp sống của chính mình
Nó không phải là sự phản kháng với xã hội hay cố chấp làm khác người, mà đơn giản là sống theo những giá trị riêng – khác với thứ mà nhiều người đang mải miết chạy theo.
Mindtalk Series là một không gian nơi mình có cơ hội trò chuyện và lắng nghe những “cuốn sách sống” – là những vị khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ mang theo hành trang là trải nghiệm thật, bài học đắt giá và những góc nhìn sâu sắc từ chính cuộc sống và công việc của mình.
Hôm nay, Mindtalk Series rất vui được chào đón chị Thùy Anh – một người yêu sự tĩnh lặng và luôn trân trọng những điều giản dị trong đời sống.
Hiện tại, chị đang làm việc trong lĩnh vực Giáo dục. Trước đây, chị từng là giáo viên tại một trường công, nhưng trong quá trình giảng dạy, chị bắt đầu tự hỏi:
“Liệu vai trò của giáo dục chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức? Hay còn điều gì sâu xa hơn thế nữa?”
Từ câu hỏi đó, chị quyết định dừng lại – để đi tìm ý nghĩa thật sự của giáo dục, một hành trình vượt ra ngoài sách vở, đến với con người, cảm xúc và giá trị sống.
Chị tìm đến viết – như một cách để ghi lại những khoảnh khắc mà mình cảm nhận rõ nhất về sự sống, về những dòng chảy rất thật trong câu chuyện của mỗi người mà chị có cơ hội được lắng nghe.
Cùng đọc và cảm nhận những chia sẻ của chị Thùy Anh, tác giả blog Một tách trà trong số Mindtalk này.
1. Có phải ai trong chúng ta cũng đang trên hành trình '“trở về nhà”. Đối với chị, hành trình đó diễn ra như thế nào?
Thật ra, đó là một hành trình dài đối với bản thân mình. Bởi mình đã dành đến 1/3 cuộc đời để sống theo những chuẩn mực mà người khác đặt ra. Nếu dùng ngôn ngữ của Sigmund Freud thì khoảng thời gian đó, phần “Siêu tôi” (Superego) trong mình đã hoàn toàn lấn át.
Nó khiến mình trở nên cứng nhắc, sống theo khuôn khổ, luôn cố gắng làm đúng những điều được cho là "phải", "đúng", "nên", dù trong lòng lại có những mong muốn rất khác.
Càng kéo dài, mình càng cảm thấy lạc lõng. Làm điều người khác kỳ vọng, nhưng lại đánh mất điều sâu thẳm bên trong bản thân. Từ đó, mình bắt đầu cảm thấy cuộc sống vô nghĩa và mất phương hướng.
Năm 23 tuổi, mình rơi vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh — và nó kéo dài suốt hơn 7 năm sau đó. Giống như bị bịt mắt mà vẫn phải tự lần mò tìm đường đi cho chính mình.
Dù có bận rộn thế nào, mình vẫn dành một khoảng thời gian trong ngày chỉ để sống cho chính mình. Và quan trọng nhất, mình không còn tự hỏi “Sống để làm gì?” nữa.
Để đi đến được đây, mình đã phải vượt qua rất nhiều nỗi sợ: sợ không còn được yêu quý, sợ mất đi những mối quan hệ nếu không sống để làm hài lòng người khác.
Những mâu thuẫn bên trong khiến mình nhiều lần dằn vặt, tự chỉ trích bản thân. Nhưng rồi mình nghĩ:
Và chính cảm giác sợ hối hận đó đã buộc mình phải thay đổi, phải bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hiện tại — để sau này còn có chuyện kể cho con cháu nữa chứ.
2. Chị đã bao giờ lắng nghe ai đó đến mức có thể cảm nhận được nỗi đau, niềm vui của họ như chính mình chưa? Và trong những khoảnh khắc ấy, chị học được điều gì?
Mình làm công việc tư vấn giáo dục. Để làm tốt vai trò này, mình buộc phải học cách kiên nhẫn lắng nghe.
Điều đó không hề dễ dàng, vì thật ra mình có thói quen… hay ngắt lời để nói ra quan điểm. Nên mình phải rèn luyện rất nhiều để có thể nghe mà không phản ứng ngay lập tức, không chen ngang, không vội vàng đưa lời khuyên.
Nhưng người khiến mình nhớ nhất trong hành trình học cách lắng nghe, lại là một người bạn cấp 3. Có thể vì mình cũng từng trải qua những khủng hoảng tâm lý, nên khi nghe bạn ấy kể về cuộc sống gia đình – mình không chỉ nghe, mà còn thật sự cảm được nỗi đau của bạn.
Bạn kể về cuộc hôn nhân không trọn vẹn, về việc bị chồng và gia đình chồng hiểu lầm, dù bạn đã từng tận tâm chăm sóc chồng lúc anh ấy bị bệnh. Mình thấy đôi mắt bạn đỏ hoe khi kể chuyện. Giọng bạn nghẹn lại khi nhắc đến đứa con nhỏ mắc bệnh không thể chữa. Lúc đó, mình chỉ nói với bạn một câu: “Mình tôn trọng quyết định của bạn.”
Một thời gian sau, mình gặp mẹ bạn trong lễ tốt nghiệp của em trai. Mình nhắc bác phải giữ gìn sức khỏe để ở bên con và cháu. Khi nói chuyện với bác, mình thấy rõ một nỗi buồn sâu trong mắt – một ánh mắt mơ hồ nhưng chất chứa.
Mình không thấy tia sáng nào trong câu chuyện ấy, giống như cách mình đã từng sống hơn 5 năm trước: đi mãi trong đường hầm tối, chẳng biết khi nào mới thấy ánh sáng.
Mình nhận ra: lắng nghe một người, không nhất thiết để giúp họ giải quyết vấn đề. Mà đôi khi, chỉ đơn giản là để họ biết – vẫn có ai đó ở đây, sẵn sàng ngồi xuống và nghe họ kể hết niềm vui, nỗi buồn. Rằng họ không hoàn toàn cô đơn trong thế giới này.
3. Cuộc sống hiện đại đầy những điều phức tạp và hào nhoáng, nhưng chị lại yêu những vẻ đẹp giản dị, chân thành. Đã bao giờ chị cảm thấy mình như một người đi ngược dòng?
Có lẽ từ thời còn đi học, mình đã “phải lòng” hình ảnh cái cây đứng yên bên mặt hồ. Mỗi lần nhìn những tán lá xanh rì soi bóng xuống mặt nước lăn tăn gợn sóng, mình lại thấy một cảm giác bình yên rất lạ.
Cái vẻ đẹp tĩnh tại đó cứ in sâu trong tâm trí mình đến mức, dù sau này có sống trong không gian hiện đại, tiện nghi đến đâu, mình vẫn luôn nhớ về hình ảnh giản dị ấy.
Mình từng cảm thấy bản thân như một người “đi ngược dòng”. Lúc đầu, điều đó khiến mình không thoải mái – vì rõ ràng, mình không giống số đông. Nhưng khi hiểu hơn về chính mình, mình bắt đầu trân trọng sự “ngược dòng” đó.
Thứ giúp mình giữ được sự kiên định với lối sống đơn giản ấy chính là thời gian dành cho bản thân.
Mình nhận ra: nếu cứ mang theo quá nhiều mong cầu về vật chất, thì mình sẽ luôn thấy bất an, luôn lo lắng phải làm nhiều hơn, có nhiều hơn để “đuổi kịp”.
Nhưng thật ra, đâu cần như vậy. Khi mình học cách dừng lại, buông xuống những đòi hỏi không cần thiết, mình thấy nhẹ nhõm hơn – và hạnh phúc cũng đến từ đó.
Mình bắt đầu cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn hơn, dù là trong những điều rất nhỏ.
4. Khi nghiên cứu về tâm lý, có phải điều khó nhất không phải là hiểu người khác, mà là hiểu chính mình?
Câu hỏi đầu tiên mà mọi người hay hỏi mình khi biết mình học tâm lý là: “Tại sao lại học tâm lý?” Và mình thường trả lời đơn giản: “Học để hiểu bản thân.”
Có thể với nhiều người, đó là một khoản đầu tư xa xỉ – và đúng là với mình ở thời điểm đó, nó cũng không hề dễ dàng.
Nhưng rồi khi bước vào lớp học, nghe thầy giáo nói một câu khiến mình lặng người:“Tới độ tuổi này, anh chị mới thực sự biết mình cần gì. Và tôi tin rằng khi anh chị chọn học tâm lý, chắc chắn là vì một lý do cụ thể, không còn mơ hồ như các bạn sinh viên 19, 20 tuổi.”
Câu nói đó giống như một sự xác nhận, một lời gật đầu cho lý do mình có mặt ở đó.
Mình từng luyện rất kỹ kỹ năng này: chỉ cần nhìn sắc mặt, biểu cảm, ánh mắt của ai đó, mình có thể đoán được họ đang vui hay đang tức giận, nên nói thế nào để vừa lòng họ. Thậm chí sau vài lần gặp, mình có thể đọc vị tính cách của người đối diện khá chính xác.
Nhưng rồi có một lần, sau khi kết thúc buổi tư vấn cho một học viên, mình chợt rơi vào một khoảng lặng. Mình tự hỏi:“Mình hiểu người khác như thế… nhưng mình đã thực sự hiểu chính mình chưa?”
Câu hỏi ấy đã kéo mình vào hai cuộc khủng hoảng cùng lúc: khủng hoảng hiện sinh và khủng hoảng căn tính. Mình mất hơn 8 năm để đối mặt và vượt qua trầm cảm. Và cũng chính từ hành trình đó, mình càng thấm thía giá trị của sức khỏe tinh thần.
Mình học tâm lý, trước hết là để hiểu chính mình: hiểu những dòng suy nghĩ rối bời, những cơn sóng cảm xúc bất chợt, và cả sự khác biệt trong cách mình nhìn nhận cuộc sống.
* Có điều gì chị từng khám phá về bản thân khiến chị thay đổi cách yêu thương mình không?
Cách đây khoảng 4 năm, mình từng lao vào công việc với một mục tiêu rất rõ ràng: kiếm thật nhiều tiền để phục vụ cho những sở thích cá nhân. Khi đó, mình nghĩ đó là “yêu bản thân” – vì nó mang lại cho mình cảm giác thoải mái, được chiều chuộng chính mình.
Nhưng rồi mình nhận ra: cảm giác hạnh phúc khi mua một bộ đồ mới, một thỏi son đắt tiền... thật ra không kéo dài được bao lâu. Thậm chí, nó khiến mình có cảm giác như “nghiện”. Mỗi khi không mua sắm gì, mình lại thấy trống rỗng, khó chịu, không hài lòng với những gì mình đang có.
Mình bắt đầu tự hỏi: Vậy chẳng lẽ mình cứ phải phụ thuộc vào những món đồ mới để cảm thấy vui? Nếu không có vật chất đi kèm, thì điều gì mới thực sự khiến mình hạnh phúc và yêu bản thân thật sự?
Chính những câu hỏi đó đã làm mình thay đổi cách nhìn về hai chữ "yêu thương".
Mình tập tôn trọng cảm xúc của mình thay vì cố đè nén hay lờ đi. Mình học cách lắng nghe cơ thể – những mệt mỏi, tín hiệu mà trước đây mình thường bỏ qua – thay vì bắt ép nó phải luôn hoạt động theo ý mình.
Và từ đó, mình cũng học cách tôn trọng sự khác biệt của bản thân, không còn cố gắng ép mình chạy theo số đông. Mình biết cách thiết lập ranh giới, biết cách bảo vệ bản thân trước những điều tiêu cực.
Mình nhận ra:
5. Có một điều giản dị nào trong cuộc sống mà chị trân trọng đến mức nó trở thành một phần trong hành trình chữa lành của mình không?
Trong cuộc sống, điều mà mình luôn trân trọng – và dần trở thành một phần quan trọng trong hành trình chữa lành – chính là những khoảng thời gian yên tĩnh một mình.
Bởi chính trong không gian đó, khi không còn bị xao nhãng bởi tiếng ồn hay sự vội vã của cuộc sống, mình mới thật sự được lắng lại, được quan sát và cảm nhận rõ ràng hơn về chính mình và thế giới xung quanh.
Những khoảng lặng ấy giúp mình nhìn mọi thứ rõ ràng hơn – từ cảm xúc, suy nghĩ cho đến những khúc mắc trong lòng. Nhờ vậy, mình có thể biết lúc nào nên hành động, lúc nào cần buông bỏ, và khi nào thì chỉ đơn giản là chấp nhận.
Chính sự tĩnh lặng ấy đã cho mình không gian để chữa lành – không phải bằng cách chạy trốn, mà bằng cách lắng nghe, đối diện, và lựa chọn cách đi tiếp một cách rõ ràng hơn.
6. Trong quá trình tìm hiểu tâm lý, có bài học nào khiến chị thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về chính mình và về thế giới xung quanh?
Trong quá trình tìm hiểu về tâm lý học, mình từng đọc tài liệu về liệu pháp Phân tâm của Sigmund Freud và trị liệu của Adler. Nhờ đó, mình bắt đầu hiểu được những hành vi vô thức mà mình cứ lặp đi lặp lại – những phản ứng, cách ứng xử mà mình từng nghĩ là "do mình như vậy", hóa ra lại mang dấu vết rất rõ từ cha mẹ.
Mình cũng dần nhận ra những niềm tin sai lệch về bản thân mà mình đã vô thức mang theo suốt 1/3 cuộc đời – như kiểu mình không đủ tốt, không xứng đáng, hay phải cố gắng để được công nhận.
Trước đây, mình từng là một người không thể chấp nhận những gì đã xảy ra, thậm chí tệ hơn – mình từng trách móc bố mẹ, từng ước giá như mình được sinh ra trong một gia đình “bình thường” hơn, nơi không có những mâu thuẫn, căng thẳng hay tổn thương.
Nhưng khi hiểu sâu hơn, mình mới thấy: chối bỏ quá khứ cũng đồng nghĩa với chối bỏ một phần của chính mình.
Khi bắt đầu chấp nhận những gì đã qua – mình cũng thay đổi được cách nhìn với bố mẹ, bớt đổ lỗi, bớt mong họ phải khác đi. Đồng thời, mình cũng dần điều chỉnh hành vi của bản thân, để sống nhẹ nhàng và thích nghi tốt hơn với hiện tại.
Chữa lành không phải là xóa đi quá khứ, mà là học cách sống chung với nó – với một cái nhìn khác, nhẹ nhàng và bao dung hơn.
7. Nếu có một thông điệp từ hành trình của mình, chị có thể chia sẻ với những ai đã từng cảm thấy lạc lối, mệt mỏi hay cô đơn trong chính con đường của mình, đó sẽ là gì?
Trước khi bạn định làm điều gì đó tồi tệ với chính mình, hãy dừng lại 5 giây thôi – để trân trọng và cảm nhận hơi thở đang nuôi sống bạn mỗi giây phút này.
Bạn không cần phải mạnh mẽ ngay lập tức.
Chỉ cần đừng bỏ cuộc.
Nếu mệt, thì nghỉ ngơi.
Nếu đau, thì chấp nhận.
Rồi từ từ bước tiếp – học hỏi, trải nghiệm, và từng chút một, tìm lại phiên bản chân thật nhất của chính mình.
Một khi đã được sinh ra trên đời này, thì dù chuyện gì xảy ra, hãy sống như một người đang “chơi” cuộc đời này thật đẹp, thật tử tế.
Và quan trọng hơn, tử tế với chính mình.
—
Cảm ơn chị Thùy Anh.
Đọc thêm:
cảm ơn những chia sẻ như rút hết tâm can và chân thành của chị Thùy Anh.
em thích đoạn miêu tả này lắm ạ:"Có lẽ từ thời còn đi học, mình đã “phải lòng” hình ảnh cái cây đứng yên bên mặt hồ. Mỗi lần nhìn những tán lá xanh rì soi bóng xuống mặt nước lăn tăn gợn sóng, mình lại thấy một cảm giác bình yên rất lạ. Cái vẻ đẹp tĩnh tại đó cứ in sâu trong tâm trí mình đến mức, dù sau này có sống trong không gian hiện đại, tiện nghi đến đâu, mình vẫn luôn nhớ về hình ảnh giản dị ấy."
em cũng đang có nhiều sự mông lung gần đây, nhưng hình như em đã có đáp án mình cần phải làm gì tiếp theo. cảm ơn chị Mera đã tạo chuyên mục mindtalk này, tháng nào em cũng vào để đọc lui đọc tới.