System Thinking | Phương pháp rèn luyện hiệu quả
Nổi bật giữa những phương pháp tư duy khác, tư duy hệ thống thu hút bởi khả năng mang đến giải pháp toàn diện và bền vững cho các vấn đề phức tạp.
MindTalk Series là một dự án do mình kết hợp cùng với Insightful Creations thực hiện. Đây là nơi mình có cơ hội trò chuyện và chia sẻ với các khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, những “cuốn sách sống” có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực của họ. Và sau đây, mời bạn cùng đọc recap những điểm chính trong buổi chia sẻ được thực hiện bởi team IC nhé.
Gần đây, "tư duy hệ thống" nổi lên như một xu hướng mới, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và Chat GPT bùng nổ, việc tìm kiếm, tiếp nhận và xử lý thông tin một cách chọn lọc, hiệu quả trở nên vô cùng quan trọng. Nổi bật giữa những phương pháp tư duy khác, tư duy hệ thống thu hút bởi khả năng mang đến giải pháp toàn diện và bền vững cho các vấn đề phức tạp.
Hôm nay, Insightful Creations rất vinh dự được trò chuyện cùng anh Lương Tiến Hiệp - người có hơn 8 năm kinh nghiệm nghiên cứu tư duy hệ thống và ứng dụng đạo Phật trong đời sống. Anh Hiệp là nhà sáng lập Trường Cốt Chinh - trường đào tạo Coaching đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng Tư Duy Hệ Thống (Systems Thinking). Ngoài ra, anh còn là Quản lý Truyền thông Cấy Nền Radio với hơn 114.000 lượt theo dõi.
Chủ đề ngày hôm nay là “Tư duy hệ thống và phương pháp rèn luyện hiệu quả”. Đến từ khách mời anh Lương Tiến Hiệp.
Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi đầu tiên:
1. Anh Hiệp có thể đơn giản hóa và giải thích định nghĩa tư duy hệ thống cho một đứa trẻ 8 tuổi có thể hiểu được không ạ?
Khái niệm tư duy hệ thống rất trừu tượng với những người mới tiếp cận. Để giúp đứa trẻ 8 tuổi có thể dễ dàng hiểu được tư duy hệ thống, hãy tưởng tượng như việc chơi lego hay ghép tranh. Khi trẻ em chơi những trò này, chúng bắt đầu từ những mảnh ghép nhỏ, rời rạc và dần kết nối chúng lại với nhau để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh như mong muốn. Tương tự như khi chơi lego hay ghép tranh, tư duy hệ thống cũng giúp ta nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, bằng cách xem xét mối liên hệ giữa các yếu tố tưởng chừng như rời rạc, không liên quan. Từ đó, ta có thể thu thập đầy đủ thông tin, nhận diện chính xác bản chất của vấn đề và đưa ra giải pháp hiệu quả.
Khác biệt giữa tư duy hệ thống và tư duy cục bộ:
Trái ngược với tư duy hệ thống, cần quan tâm đến bức tranh lớn, sự liên kết, tương quan, và mối quan hệ giữa các sự vật với nhau. Tư duy cục bộ chỉ quan tâm đến một vấn đề nhỏ. Một mảnh ghép nhỏ.
Tư duy cục bộ dễ khiến chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan, chỉ đưa ra ý kiến dựa trên sự suy diễn của bản thân về một góc nhỏ của vấn đề. Dựa vào đó để đánh giá, suy đoán cả một vấn đề lớn.
Nghịch lý, đa phần trẻ em sẽ có tư duy hệ thống tốt hơn người lớn?
Cũng có một khoảng thời gian mình có một cái hình dung, đôi khi trẻ em có tư duy hệ thống tốt hơn người lớn. Nghe có vẻ vô lý, và mọi người thường sẽ nói “trẻ con làm sao có nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm giống như người lớn”. Nhưng thực ra, cái mấu chốt của tư duy hệ thống, đấy là chúng ta không bị phân chia một vấn đề thành quá nhiều vấn đề.
Người lớn thường bị phân tâm bởi nhiều thứ, lúc đi làm vì đam mê, lúc lại vì đồng lương, lúc về nhà lại thấy mình là một con người khác so với lúc đi làm… Chúng ta sống quá nhiều cuộc đời trong cùng một cuộc đời, trong khi trẻ con thì rất hồn nhiên và các bạn thì thống nhất từ đầu đến cuối. Ở đâu, cũng vẫn như vậy chứ không có cái sự phân chia như thế.
Trẻ em thường hay hỏi vì sao? Mấu chốt giúp tư duy hệ thống.
Câu hỏi vì sao lại câu hỏi gốc trong tư duy hệ thống, người lớn sẽ ít hỏi hơn. Tư duy hệ thống nói đến việc luôn luôn tò mò, luôn luôn hỏi vì sao? Đào sâu vào cái cốt lõi của vấn đề chứ nó không chỉ dừng lại ở tính bề mặt.
2. Có phải là mọi người khi lớn, càng trưởng thành có càng nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm thì lại càng khó tư duy hệ thống?
Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận câu hỏi này cả hai chiều. Những người có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm, có thể tư duy hệ thống hay không phần lớn sẽ nằm ở cái tôi của họ. Nếu họ chỉ dừng ở việc xem những trải nghiệm và kiến thức của họ là tất cả, những quan điểm của mọi người là sai, thì rất khó để tư duy hệ thống. Phần nữa nằm ở việc họ có thực sự lắng nghe một cách trọn vẹn hay chưa? Lắng và nghe là một kỹ năng quan trọng trong tư duy hệ thống, nó giúp chúng ta tiếp nhận và xử lý thông tin một cách tích cực và hiệu quả.
Kiểu thường thấy thứ hai là khi có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm, và họ cũng tích cực lắng nghe. Nhưng lại gặp một vấn đề khác nữa là không biết cách làm thế nào để xử lý thông tin mà mình tiếp nhận có tính hệ thống. Những cái cũ có thể chưa được xử lý xong lại tiếp nhận thêm những cái mới.
3. “Theo một nghiên cứu của Harvard Business Review những người áp dụng tư duy hệ thống sẽ có khả năng thành công cao hơn 30% so với những người không áp dụng” vậy thì theo anh Hiệp vì sao lại có một cái sự khác biệt khá lớn như vậy?
Mình cũng có một cái quan sát những người thành công họ không thành công một mình mà họ luôn có đội nhóm. Bởi vì họ có những đồng đội cùng niềm tin và cùng giá trị cốt lõi với họ.
Bản chất của tư duy hệ thống là việc chúng ta có thể nhìn được một cái bức tranh tổng thể cả đội nhóm của mình và cả doanh nghiệp của mình như cấu trúc của một hệ thống, không có sự chia rẽ, không có sự xung đột về lợi ích.
Có hai điểm mấu chốt để miêu tả tư duy hệ thống:
#1 Thứ nhất: Khả năng bao quát và nhìn đến tổng thể:
Người thành công là người phải có cái nhìn xa và rộng, để biết và dự đoán được những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Không chỉ liên quan đến việc quản trị rủi ro, mà còn liên quan đến tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Làm nghề nghiệp thì mình không chỉ nhìn vào câu chuyện một năm, mà mình phải nhìn mười năm sau doanh nghiệp của mình sẽ trông như thế nào?
#2 Thứ hai: Tính bền vững:
Đó là việc chúng ta nhìn vào cái cốt lõi của vấn đề, cốt lõi của các mối quan hệ, cốt lõi của sự tương tác trong một doanh nghiệp, cốt lõi của tính cách của những người làm việc cùng. Đây lại là câu chuyện đắc nhân tâm. Bởi vì con người rất phức tạp và có rất nhiều điểm nếu như chúng ta không có cái nhìn thấu đáo, thì sẽ khó nhìn ra khả năng, năng lực mà họ có, để đặt họ đúng chỗ. Tư duy hệ thống cho mình hai công cụ rất đắc lực là khả năng nhìn xa và khả năng nhìn sâu. Một người vừa nhìn xa và vừa nhìn sâu được thì mình nghĩ là khả năng thành công sẽ rất lớn.
Subscribed
4. Anh Hiệp từng chia sẻ “hãy xem chat GPT như một Digital Coach”, anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này được không ạ?
Ban đầu mình tiếp cận với chat GPT với một tâm thế xem chat GPT như một Digital Coach chứ không phải là một bạn google mới. Chat GPT xuất hiện giúp chúng ta mở ra một kỷ nguyên tri thức mới.
Anh Thành nhà sáng lập bình dân học AI cũng chia sẻ: “Chat GPT như tích hợp một triệu cuốn sách ở trong đấy và người sử dụng mình sẽ cần phải xem lấy cuốn sách nào ra để sử dụng cho cái mục đích công việc của mình.”
Mình thấy có rất nhiều bạn có những cái ý tưởng rất hay, rất thú vị nhưng mà họ chỉ dừng lại ở ý tưởng thôi. Và họ không biết cách triển khai như thế nào để nó thành một bài viết, hay là thành một nội dung hữu ích để có thể chia sẻ thường xuyên. Những lúc ấy thì Chat GPT có thể đồng hành cùng mình. Vì đằng sau Chat GPT là một kho tàng kiến thức rất lớn. Có thể hỗ trợ mình trong việc hướng dẫn và triển khai các ý tưởng.
Với số đông những người không có cho mình một người coach. Chỉ có cho mình một bản Chat GPT miễn phí và một tư duy, để mình chia sẻ thông tin và đặt câu hỏi, thì Chat GPT có thể giúp mình cải thiện được rất nhiều các kỹ năng.
Khác biệt nào giữa AI và một Digital Coach
Mình thấy về mặt tối ưu liên quan đến tốc độ, liên quan đến giới thiệu lý thuyết, giới thiệu mô hình thì chat GPT đang làm rất tốt, cách đối đáp cũng rất nhanh. Và cũng rất lịch sự và tích cực.
Trong nghề Coach khai vấn sẽ có những kỹ năng cơ bản sau:
1. Kỹ năng tạo thiện cảm hay gọi là kỹ năng tạo môi trường an toàn
2. Kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe chủ động và lắng nghe chủ trọn vẹn.
3. Kỹ năng đặt câu hỏi một cách nghiêm túc và sâu sắc
4. Kỹ năng đưa ra phản hồi tích cực
5. Kỹ năng liên quan đến sử dụng trực giác.
Đối với năm kỹ năng nền tảng này của một người coach thì Chat GPT có thể làm tương đối tốt ở 3 ý đầu. Nhưng sẽ có 2 kỹ năng mà Chat GPT ít nhất trong giai đoạn hiện tại vẫn chưa thay thế được đó là:
Lắng nghe: Dĩ nhiên, hiện tại Chat GPT đã biết nghe, nhưng chỉ dừng ở việc nghe. Còn lắng nghe sẽ là ở một cấp độ khác. Nghe và lắng là câu chuyện liên quan đến cảm xúc mà không chỉ dừng ở việc tiếp nhận thông tin. Đó là chuyện đọc và nghe được những cảm xúc đằng sau những câu nói, chỉ con người với con người mới có thể làm được. Đây là điều đầu tiên mà Chat GPT hiện tại vẫn chưa làm được.
Trực giác: Là khả năng biết một điều gì đó mà không cần bằng chứng hoặc lý do rõ ràng. Nó là một dạng nhận thức xảy ra một cách nhanh chóng và tự động, không cần trải qua quá trình suy nghĩ hay phân tích logic. Trực giác giống như là một ra đa , trong nhiều trường hợp giúp chúng ta nhận biết được người này đang nói thật hay nói dối, hoặc những ý ẩn đằng sau câu nói của họ.
5. Theo anh Hiệp làm thế nào để tư duy hệ thống có thể giúp các bạn GenZ thành công trong một thế giới mà ngày càng phức tạp và thay đổi nhanh chóng như ngày nay ạ?
Điều đầu tiên trong tư duy hệ thống là biết cách biến các vấn đề phức tạp thành các vấn đề phức hợp. Trong tiếng anh từ phức tạp (complicated), nếu như chúng ta đưa góc nhìn của tư duy hệ thống vào, thì những vấn đề đó không gọi là phức tạp, mà là phức hợp (complex). Nếu muốn giải quyết những vấn đề phức tạp, chúng ta phải biết chia nhỏ ra thành những vấn đề nhỏ hơn. Xem xét tính liên đới của các vấn đề, để thu gọn lại thành các vấn đề mang tính phức hợp.
Tiếp đến “sự thay đổi nhanh chóng”. Mình nghĩ rằng trong tư duy hệ thống có một điều rất hay đấy là tất cả hệ thống đều là hệ thống mở. Nói một cách cá nhân hóa hơn, con người chúng ta cũng là một hệ thống mở, chúng ta cần biết cách lắng nghe những quan điểm mới để mở rộng tư duy, học cách giao thoa, và tiếp nhận thông tin. Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn thấy và thích ứng với sự thay đổi của các yếu tố bên ngoài.
Tư duy hệ thống giúp các bạn trẻ tạo lập cho chính mình một thái độ đó là “học tập suốt đời (lifelong learning)”. Chúng ta không nên chỉ xem Chat GPT như một công cụ để tìm kiếm thông tin, mà chúng ta cần giữ thái độ học hỏi. Liên tục học hỏi là cách tốt nhất để thích nghi với những vấn đề đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Bên cạnh đó, tư duy hệ thống còn giúp rèn luyện cho các bạn một thái độ nhìn nhận vấn đề đi vào bản chất để phân tích và giải quyết vấn đề một cách triệt để.
6. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, làm thế nào để GenZ có thể tự xây dựng cho mình bộ lọc để có thể chọn lọc kiến thức một cách hiệu quả?
Trong giai đoạn mà mình cảm thấy có quá nhiều thứ mình phải học, quá nhiều người mình phải gặp, hay nhiều thứ mình phải làm như vậy, thì mình cũng cần có cho mình một bộ lọc (filter). Trước tiên chúng ta cần quay về chữ Coach, cái cốt lõi của mình là gì? Đây là một câu hỏi khó, nếu các bạn chưa tìm ra được, thì mình có một gợi ý các bạn có thể thử. Đó là tìm cho mình một người thầy, một người mentor có cùng tần số năng lượng để các bạn xây dựng cho mình cái nền tảng ban đầu. Giúp các bạn có được bộ lọc từ sớm để có được sự lựa chọn và những cái quyết định tốt hơn. Phù hợp với bản thân mình.
Vậy, 3 điều mà các bạn GenZ có thể làm ngay để có thể bắt đầu tư duy hệ thống giúp phát triển bản thân là gì ạ?
Rèn luyện kỹ năng lắng nghe: Lắng nghe là một trong những kỹ năng rất quan trọng của người tư duy hệ thống. Chúng ta cần học cách lắng nghe một cách chủ động, không phán xét. Tiếp nhận ý kiến một cách đa chiều, đây là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của tư duy hệ thống.
Rèn luyện thói quen viết: Khi viết lại, chúng ta phân tích kỹ lưỡng thông tin ban đầu, xác định những ý chính và sắp xếp các ý tưởng một cách rõ ràng, điều này giúp chúng ta biểu đạt ý tưởng một cách cụ thể và chính xác hơn. Giúp tăng khả năng tư duy sáng tạo và rèn luyện tư duy hệ thống.
Rèn luyện cơ thể: Một cơ thể khỏe mới có thể chứa một bộ não khỏe, chính vì điều này sức khỏe đã trở thành một phần quan trọng trong tư duy hệ thống. Bạn có thể bắt đầu bằng việc lựa chọn những môn thể thao mà mình yêu thích, tập luyện kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh giúp duy trì và nuôi dưỡng cơ thể. Từ đó tư duy chúng ta mới có thể mở rộng và sáng tạo hơn.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành từ anh Hiệp, chúc anh có một ngày mới vui vẻ.
Xem thêm: