Học từ quá khứ, để hướng về tương lai
Đôi khi việc tìm hiểu những ý kiến trái chiều không phải là để bác bỏ chúng, mà là để xác nhận và củng cố quan điểm của mình, hoặc thậm chí mở ra những góc nhìn mới.
Niềm đam mê
Mình là một người rất đam mê điện ảnh, đặc biệt là những bộ phim có chiều sâu, đưa người xem vào hành trình suy ngẫm về cuộc sống con người. Trong số các đạo diễn nổi tiếng, Christopher Nolan luôn là một trong những tên tuổi mà mình ngưỡng mộ nhất.
Sự ngưỡng mộ này không chỉ đến từ tài năng của ông trong việc tạo dựng những cảnh quay hay cách dẫn dắt câu chuyện lôi cuốn, mà còn bởi phong cách làm phim độc đáo của ông. Lối kể chuyện phi tuyến tính, những cái kết mở đầy suy tư, và những thông điệp sâu sắc trong từng bộ phim của Nolan luôn khiến mình phải ngẫm nghĩ nhiều ngày sau khi xem xong.
Những bộ phim của Nolan không chỉ là giải trí, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, buộc người xem phải tự mình giải mã và tìm kiếm câu trả lời. Từ "Inception" với những giấc mơ chồng chéo đến "Interstellar" khai thác chiều sâu về thời gian và không gian, mỗi bộ phim của Nolan đều khiến mình cảm thấy như bước vào một mê cung tư duy, nơi mỗi ngã rẽ là một câu hỏi triết học về cuộc sống.
Năm ngoái, khi "Oppenheimer" ra mắt, mình đã mong chờ từ rất lâu và không bỏ lỡ cơ hội ra rạp ngay khi phim công chiếu. "Oppenheimer" không chỉ là một bộ phim về lịch sử và khoa học, mà còn là một bức chân dung đầy chiều sâu về con người J. Robert Oppenheimer – một nhà khoa học thiên tài nhưng lại mang trong mình những mâu thuẫn đạo đức và cảm xúc sâu sắc.
Bộ phim đã để lại trong mình nhiều suy ngẫm, và hôm nay mình muốn chia sẻ những cảm nhận cá nhân cũng như những bài học mà mình đúc kết được từ tác phẩm này.
01. Lý thuyết sẽ chỉ đưa bạn đi xa đến mức đó thôi
Một câu nói nổi bật trong bộ phim là: "Theory will take you only so far." (Lý thuyết sẽ chỉ đưa bạn đi xa đến mức đó thôi). Nhân vật Oppenheimer đã nhắc đi nhắc lại câu nói này nhiều lần, nhấn mạnh sự giới hạn của lý thuyết, dù nó có hoàn hảo đến đâu, nếu không có hành động thực tiễn.
Từ câu nói này, mình liên tưởng đến hành trình phát triển bản thân và sáng tạo nội dung. Ngày nay, Internet mang lại một kho tàng vô tận về kiến thức và thông tin. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các hướng dẫn về mọi thứ, từ quay video, viết nội dung, đến các kỹ năng sáng tạo khác. Tuy nhiên,
chỉ khi bạn thực sự hành động và áp dụng những gì đã học, bạn mới thực sự khám phá ra giới hạn và khả năng của mình.
Ví dụ, nếu bạn đam mê làm video, hãy thử bắt đầu từ việc đơn giản nhất: lấy điện thoại ra và nói về một chủ đề bạn yêu thích. Khi xem lại, bạn sẽ nhận ra ngay những điều cần cải thiện như cách phát âm, ánh sáng, góc quay,... Đó là quá trình tự học và phát triển. Những gì bạn học từ sách vở hay trên mạng chỉ là lý thuyết, và thực tế là điều bạn cần đối mặt và trải nghiệm.
Khi nhìn lại hành trình đã qua, bạn sẽ thấy rằng chính những hành động nhỏ bé đó, dù là thử nghiệm ban đầu, sai lầm hay thành công, đều là những viên gạch nền móng giúp bạn tiến xa hơn. Đây cũng là cách mà tương lai của bạn sẽ được xây dựng.
Hành động thực tiễn không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ năng, mà còn là cách bạn đối mặt với thực tế, học hỏi từ những gì đã làm, và chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo.
02. Tầm quan trọng của quan điểm đối lập
Một chi tiết nữa trong phim đã khiến mình suy nghĩ là vai trò của những quan điểm đối lập. Nhà khoa học Edward Teller, người đồng nghiệp của Oppenheimer, đã nêu lên một nghiên cứu cho rằng phản ứng hạt nhân có thể tiếp tục mà không dừng lại, dẫn đến sự hủy diệt toàn cầu.
Nghe điều này, Oppenheimer ngay lập tức tìm đến Einstein để thảo luận về nghiên cứu, dù giữa họ đã từng có nhiều bất đồng.
Tại sao Oppenheimer lại tìm đến Einstein, một người có quan điểm trái ngược với mình? Chính sự trao đổi với những người có quan điểm khác biệt giúp các nhà lãnh đạo và sáng tạo viên mài giũa ý tưởng của mình. Điều này nhắc mình nhớ rằng:
“Đôi khi việc tìm hiểu những ý kiến trái chiều không phải là để bác bỏ chúng, mà là để xác nhận và củng cố quan điểm của mình, hoặc thậm chí mở ra những góc nhìn mới.”
Trong cuộc sống và công việc, mình thường gặp những tình huống mà một ý tưởng không phù hợp ban đầu lại trở thành nền tảng cho một giải pháp tốt hơn. Chính vì vậy, mình không ngại trao đổi với những người có quan điểm trái ngược, vì mình biết mỗi cuộc thảo luận là cơ hội để nhìn lại bản thân, xác nhận những gì mình tin tưởng, và đôi khi là để thay đổi.
Nhìn lại những lần mình trao đổi, tranh luận với những người có quan điểm khác, mình nhận ra chúng không chỉ là thách thức mà còn là những bài học quý giá. Từ những cuộc thảo luận ấy, mình đã rút ra nhiều kinh nghiệm và có cái nhìn đa chiều hơn về các vấn đề.
Sự chân thành, cởi mở, và lắng nghe là những yếu tố quan trọng giúp mình củng cố quan điểm cá nhân, đồng thời tiếp tục học hỏi và trưởng thành.
03. Morals and Ethics – Đạo đức và Trách nhiệm
Một trong những bài học lớn nhất mà bộ phim "Oppenheimer" truyền tải là vấn đề về đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng kiến thức khoa học và công nghệ. Oppenheimer, sau khi tạo ra quả bom nguyên tử, đã thể hiện sự mâu thuẫn và đau khổ nội tâm với câu nói nổi tiếng: "Bây giờ tôi trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt thế giới."
Những sự kiện lịch sử liên quan đến vụ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki nhắc nhở chúng ta rằng sự tiến bộ trong khoa học và công nghệ không chỉ mang lại những lợi ích khổng lồ, mà còn đi kèm với những hệ lụy đáng sợ.
Điều này khiến mình suy ngẫm về thời đại ngày nay, khi chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập công nghệ. Công nghệ có thể là một con dao hai lưỡi: nó có thể cải thiện cuộc sống con người nhưng cũng có thể gây hại nếu sử dụng sai cách.
Ví dụ, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay có khả năng cách mạng hóa nhiều lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng mang theo những rủi ro, như việc tạo ra các sản phẩm deepfake hay lạm dụng dữ liệu cá nhân. Những tiến bộ trong công nghệ không chỉ đòi hỏi những nhà sáng tạo phải có kiến thức chuyên môn, mà còn cần có trách nhiệm đạo đức để đảm bảo rằng các công nghệ này được sử dụng vì lợi ích chung của xã hội.
04. Học từ quá khứ để hướng về tương lai
Cuối cùng, điều khiến mình xúc động nhất là cách người Nhật đã chọn đối diện với quá khứ. Thay vì tập trung vào nỗi đau và sự hủy diệt của chiến tranh, họ đã đặt tên bảo tàng tại Hiroshima là “Bảo tàng tưởng niệm hòa bình quốc gia Hiroshima” (Hiroshima National Memorial Peace Museum), với một thông điệp rõ ràng rằng họ mong muốn hướng đến hòa bình, chứ không phải sự giận dữ hay thù hận.
Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta không chỉ để nhớ về những mất mát mà còn để học từ chúng, để từ đó xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ mà bộ phim "Oppenheimer" mang lại – rằng chúng ta phải luôn tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước những quyết định lớn lao, đặc biệt là khi nó có thể ảnh hưởng đến nhân loại.
Quá khứ, dù đau thương, vẫn là một bài học quý giá để
chúng ta định hình tương lai.
Nếu bạn chưa xem bộ phim này, mình khuyến khích bạn không chỉ xem phim mà còn tìm hiểu thêm trước về những sự kiện lịch sử và khoa học liên quan. Đó không chỉ là việc hiểu về chiến tranh hay công nghệ, mà còn là cơ hội để suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc sử dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ một cách đúng đắn.
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận của bạn hoặc câu hỏi cho mình nhé!
Mình cũng rất thích xem phim của Christopher Nolan. Mình đều phải xem lại vài lần mình mới thực sự hiểu hết. Tuy nhiên, thú thực là mình chưa có được những góc nhìn sâu sắc và thú vị như Mera. Cách Mera phân tích các chi tiết trong phim rất độc đáo, thể hiện sự từng trải và am hiểu sâu rộng, nhưng cũng vô cùng mực thước và hợp lý.
Đôi khi, mình cảm thấy những gì Mera chia sẻ mở ra cho mình một khía cạnh hoàn toàn mới của bộ phim, những điều mà trước đây mình chưa từng nghĩ đến. Thiệt sự là khả năng cảm thụ phim của Mera rất tốt, mình có đọc vài bài khác như phim everything everywhere all at once, cũng rất là nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.