Khi những dấu chấm, tạo nên hành trình
"Mình gọi triết lý sống của mình là: Hành động đều đặn, không trì hoãn, nhưng cũng không nóng vội. Nhanh ở hành động, kiên nhẫn ở kết quả."
Mindtalk Series là một không gian nơi mình có cơ hội trò chuyện và lắng nghe những “cuốn sách sống” – là những khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ mang theo hành trang là trải nghiệm thật, bài học đắt giá và những góc nhìn sâu sắc từ chính cuộc sống và công việc của mình.
Hôm nay, Mindtalk Series rất vui được chào đón Hiếu Lê – Thạc sĩ kinh tế, Consultant tại Vanto Group, một tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới về phát triển lãnh đạo và đội ngũ.
Hiếu có hơn 30.000 người theo dõi đa nền tảng. Từng học tập, làm việc tại UT Austin tại Mỹ, HEC Montréal tại Canada, Schoolab tại Pháp, và nhận học bổng Erasmus tại Đức.
Với hành trình trải nghiệm đa lĩnh vực – từ khoa học, giáo dục, bán lẻ, công nghệ đến quản trị tổ chức – Hiếu không chỉ tích lũy được kiến thức chuyên môn mà còn hình thành một góc nhìn hệ thống, thực tế và dài hạn về phát triển bền vững.
Cùng lắng nghe những chia sẻ chiêm nghiệm từ Hiếu, được Mera Team ghi lại trong bài viết dưới đây.
1. Hành trình phát triển bản thân và sự nghiệp của Hiếu bắt đầu từ đâu?
Mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Việc học, từ nhỏ, là một điều gì đó rất tự nhiên, ăn sâu vào mọi hành động hằng ngày, không chỉ là trên lớp mà còn cả khi ở nhà.
Mình thích sự lý giải, thích lần theo những câu hỏi “vì sao”, thích chạm vào bản chất của mọi thứ.
Thành tích học tập tốt khiến mình càng nhận được nhiều sự kỳ vọng. Mọi người tin rằng mình sẽ theo con đường học thuật làm nghiên cứu, giảng dạy, trở thành tiến sĩ, giáo sư. Thật ra, chính mình cũng mong muốn như vậy.
Ở tuổi đôi mươi, mình vấp ngã. Dự án nhựa sinh học nơi mình dồn hết tâm huyết buộc phải dừng lại vì đại dịch COVID.
Ba năm sau, mình mất việc ở một công ty công nghệ. Khoảng thời gian ấy như một cú trượt vô định. Đến khi ngoảnh lại, mình nhận ra bản thân đã rời xa rất nhiều khỏi hình ảnh lý tưởng ban đầu.
Mình bắt đầu hoài nghi: liệu có phải mình đã chọn sai đường? Mình nhận ra mình không thực sự giỏi ở một lĩnh vực nào cụ thể. Biết nhiều thứ nhưng chỉ ở mức lưng chừng. Và cảm giác lạc lõng ấy ngày càng lớn.
Sau đó, mình bắt đầu viết như một cách để hiểu rõ hơn về mình. Không có kế hoạch lớn lao. Chỉ là vài dòng chia sẻ trên mạng xã hội, về những lần thất bại, về cảm giác mất phương hướng, và về hành trình lặng lẽ tìm lại sự tin tưởng nơi chính mình.
Lạ là, những điều tưởng như rất riêng tư ấy lại chạm tới nhiều người. Có bạn nhắn: “Em tưởng chỉ mình em thấy lạc lõng ở tuổi 25. Đọc những dòng anh viết, em nhẹ lòng hơn nhiều.”
Những lời như vậy khiến mình cảm giác được hiểu, và cũng đang hiểu người khác, theo một cách nào đó rất người.
Không chắc điều đó gọi là gì, nhưng nó khiến mình thấy gần với chính mình hơn.
Giờ đây, mình làm việc tại một công ty tư vấn quốc tế về phát triển lãnh đạo. Mình được sử dụng những gì mình từng nghĩ là rời rạc: năng lực ngôn ngữ, khả năng quan sát, sự nhạy cảm với hệ thống và con người.
Mình được tiếp xúc với các lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực, học từ họ và hỗ trợ họ định hình tổ chức, xây dựng đội ngũ. Ở đó, mình nhìn thấy rõ hơn vai trò của mình nhỏ thôi, nhưng thật chất trong bức tranh chung.
Đôi khi, mình vẫn có những khoảnh khắc tiếc nuối cho một phiên bản “nhà khoa học lý tưởng” mà mình từng mơ và không sống được trong vũ trụ này.
Nhưng rồi, mình hay tự nhủ: “Không sao. Có lẽ, ở một vũ trụ khác, có một Hiếu khác đang sống đời sống ấy. Còn mình, ở đây, chỉ cần sống tử tế và có mặt trọn vẹn với những gì mình được ban tặng.”
2. Học tập và làm việc trong nhiều môi trường khác nhau giúp Hiếu có góc nhìn đa chiều. Nhưng làm thế nào Hiếu tránh được việc “học lan man” và thực sự áp dụng được những gì mình học vào công việc?
Việc từng học tập và làm việc trong những môi trường rất khác nhau từ khoa học, giáo dục, kinh doanh đến công nghệ và quản trị giúp mình phát triển một góc nhìn linh hoạt và kết nối được nhiều lớp vấn đề tưởng chừng tách biệt.
Nhưng mặt trái của trải nghiệm đa lĩnh vực là rất dễ rơi vào vòng xoáy học lan man mà không thật sự đi sâu. Mình dần hiểu ra: “học không đi cùng hành thì chỉ là một dạng giải trí .”
Thói quen của mình là bắt đầu bằng hành động “try” rồi mới “learn”. Mình thường thử trước, thất bại một chút, va vấp thật sự với vấn đề rồi mới quay lại học với một sự nhạy bén và tỉnh táo hơn.
Sau khi học xong, mình quay lại thực hành lần nữa. Và để những điều học được không chỉ nằm lại trong đầu, mình viết lại, chia sẻ lại như một cách để tự củng cố, và nếu may mắn, còn giúp được người khác đi nhanh hơn, tránh lặp lại những va vấp mà mình từng trải qua.
Mình cũng duy trì thói quen weekly review, xem lại những gì đã làm được trong tuần, đối chiếu với mục tiêu quý và dài hạn. Điều này giúp mình không bị cuốn trôi theo những điều ngẫu hứng, và giữ lại được đường dây chính.
Nếu trước đây mình từng say mê gom góp thật nhiều kiến thức, thì giờ đây, thử thách lớn nhất lại là biết loại bỏ để giữ lại những gì thật sự có giá trị cho hướng đi dài hạn. Học thêm là tốt, nhưng chỉ khi nó phục vụ rõ ràng cho điều mình đang xây dựng.
Là người yêu việc học, mình luôn phải nhắc mình rằng: sự phát triển không nằm ở việc biết thêm điều gì đó mới mẻ, mà nằm ở việc thực sự sống được với điều mình đã biết.
3. Trong một thế giới mà ai cũng khao khát thành công nhanh, Hiếu lại kiên định với Compound Growth – phát triển bền vững theo thời gian. Điều gì khiến Hiếu tin vào cách tiếp cận này?
Chúng ta sống trong một thời đại mà những câu chuyện “thành công sớm” ngập tràn mọi nền tảng, bỏ đại học để khởi nghiệp, làm giàu online, trader 8 chữ số,…
Càng lướt mạng, càng dễ thấy bản thân chậm chạp, tụt lại phía sau. Ở tuổi 2x, sắp 30 hay chớm 40, nhiều người không khỏi tự hỏi: “Sao mình vẫn chưa có nhà, chưa có xe, chưa có tài sản triệu đô như người ta?”
Nhưng những trải nghiệm và va vấp từ thực tế đã giúp mình nhận ra: phần lớn những thứ hào nhoáng ấy chỉ là bề nổi được tô vẽ lên để phục vụ cho một mục tiêu khác: bán một giấc mơ, củng cố cái tôi, hay đơn giản là che giấu sự bất an bên trong. Người thực sự giàu, thực sự giỏi, thường không phô trương.
Như một thỏi vàng cần được thử qua nhiều lò lửa mới chứng thực được giá trị thật sự. Thành tựu bền vững không phải là vài cột mốc ngắn hạn, mà là một hành trình đủ dài để chứng minh bản lĩnh, năng lực và sự chính trực của một con người.
Chỉ khi chấp nhận bắt đầu lại bằng những bước đi nhỏ baby steps mình mới dần rắn rỏi và tỉnh táo hơn. Không còn vội vàng tìm kiếm “cú đánh lớn”, mà tập trung xây những viên gạch nhỏ mỗi ngày. Thay vì chỉ nhìn vào kết quả tức thì, mình học cách kiên trì với những điều quan trọng lâu dài.
Compound growth “tăng trưởng kép” không phải là khái niệm xa lạ. Nó là việc để lãi mẹ đẻ lãi con, ngày hôm nay cộng dồn với ngày hôm qua.
Như Warren Buffett từng nói: “Tăng trưởng kép như một quả bóng tuyết, quan trọng là bạn cần một sườn đồi đủ dài.”
Mình gọi triết lý sống của mình là: Hành động đều đặn, không trì hoãn, nhưng cũng không nóng vội. Nhanh chóng ở hành động, kiên nhẫn ở kết quả.
4. Trong vô vàn lựa chọn nghề nghiệp, điều gì khiến Hiếu chọn trở thành Consultant tại Vanto Group? Và công việc này đã giúp Hiếu phát triển ra sao?
Không phải ngẫu nhiên khi hành trình của mình lại gặp gỡ Vanto Group, một tổ chức với sứ mệnh giúp doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh đột phá và nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn bộ nhân sự bên trong tổ chức.
Điều khiến mình quyết định gắn bó, chính là sự cộng hưởng sâu sắc giữa sứ mệnh của công ty và lý tưởng cá nhân: giúp con người khai phá tiềm năng, hiểu rõ mục đích sống và đủ bản lĩnh để hiện thực hóa điều đó.
Vanto Group không chỉ là môi trường làm việc mà là không gian trưởng thành, nơi mình có thể phát huy tư duy hệ thống, tính sâu sắc và kinh nghiệm giao thoa từ nhiều lĩnh vực.
Công ty sở hữu phương pháp luận độc quyền đã được kiểm chứng tại nhiều quốc gia, từ các tập đoàn hàng đầu đến doanh nghiệp địa phương, và điều này cũng trở thành cơ hội để mình chuyển hóa những ý tưởng triết lý tưởng chừng xa vời thành ứng dụng cụ thể trong thực tiễn lãnh đạo và vận hành doanh nghiệp.
Trên hành trình đó, mình được giao phó những vai trò rất khác nhau từ biên phiên dịch, tổ chức các phiên làm việc với đối tác quốc tế, cho đến dẫn dắt chương trình Mission Control, một phương pháp luận đặc biệt về năng suất cho nhà lãnh đạo.
Nếu phải chọn hai từ khóa để gói gọn trải nghiệm phát triển tại Vanto Group, đó sẽ là Lãnh đạo và Hiệu suất: một từ đại diện cho phẩm chất bên trong làm chủ chính mình và truyền cảm hứng cho người khác; một từ đại diện cho kết quả tạo ra những thay đổi thật sự thông qua hành động có trách nhiệm và cam kết đến cùng.
5. Trong quá trình làm việc với khách hàng, Hiếu có nhận thấy rằng họ thường nói một điều nhưng thực sự lại mong muốn giải quyết vấn đề sâu xa hơn không? Hiếu làm thế nào để nhận diện và giúp họ nhìn ra những vấn đề thực sự mà họ đang đối mặt?
Một trong những điều mình tâm đắc nhất khi thực hành phương pháp luận của Vanto Group là câu nói:
Ở thời đại mà thông tin tràn lan, ai cũng dễ trở thành “người biết nhiều,” người ta thường nói nhiều hơn là nghe. Trong một thế giới mà ai cũng muốn lên tiếng, việc thực sự lắng nghe trở thành một hành động đầy ý nghĩa và giá trị.
Mình từng nghĩ mình biết lắng nghe cho đến khi nhận ra có rất nhiều tiếng nói nhỏ trong đầu luôn tìm cách cắt ngang: đánh giá, phán đoán, suy diễn, chuẩn bị phản hồi… Tất cả khiến mình không còn hiện diện trọn vẹn trong cuộc trò chuyện.
Vì thế, kỹ năng đầu tiên, và cũng là nền tảng, là hiện diện hoàn toàn trong cuộc đối thoại. Không nghe để đáp, mà là nghe để hiểu.
Nghe không chỉ bằng tai, mà bằng sự tĩnh lặng bên trong. Chỉ khi thật sự hiện diện, mình mới bắt đầu chạm đến được những điều người khác chưa kịp gọi tên.
Thứ hai, thay vì vội vã đưa ra lời khuyên, mình học cách đặt những câu hỏi đúng vào đúng thời điểm.
Mình làm việc với các nhà lãnh đạo-những người hiểu rõ nhất về lĩnh vực và tổ chức của họ. Mình không đến để dạy họ, mà đến để giúp họ nhìn sâu hơn vào điều họ đang đối mặt.
Và điều đó chỉ xảy ra khi mình đặt ra những câu hỏi đủ sắc, đủ sâu, và đủ lắng. Để từ đó, chính họ là người gỡ rối, tự kết nối lại các mảnh ghép rời rạc và nhận diện ra bản chất vấn đề.
Cuối cùng, điều mình vẫn không ngừng luyện tập là luôn đứng từ tương lai. Những vấn đề hiện tại không tồn tại một cách ngẫu nhiên, chúng là dấu hiệu của một tương lai mà người đối diện đang (vô thức) hướng tới.
Mình học cách giữ cho tương lai ấy luôn hiện diện trong cuộc trò chuyện, như một điểm neo để không bị mắc kẹt vào những lắt léo vụn vặt của hiện tại.
Trong một số trường hợp, giải pháp không nằm ở việc “xử lý triệt để vấn đề”, mà nằm ở việc buông bỏ nó để tập trung năng lượng cho điều quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn.
Và đó là cách mình đồng hành cùng khách hàng bằng sự hiện diện, bằng câu hỏi, và bằng một tương lai đủ rõ để dẫn đường.
6. Trước khi có thể dẫn dắt người khác, một nhà lãnh đạo cần phải học cách dẫn dắt bản thân. Trải nghiệm đó của Hiếu như thế nào?
Với mình, cội nguồn của sự lãnh đạo bắt đầu từ một tương lai rõ ràng và ý nghĩa một tương lai đủ sức đánh thức nội lực và làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Từ khi còn nhỏ, mình đã luôn canh cánh câu hỏi: “Làm sao để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển con người tại Việt Nam?”
Từ ước mơ trở thành nhà khoa học có ảnh hưởng đến nền giáo dục, cho đến sau này là hành trình tìm kiếm những cách thức khác nhau để chạm đến mục tiêu đó, tương lai ấy chính là điều đã luôn thôi thúc mình tiến lên phía trước.
Tuy nhiên dưới góc nhìn cá nhân mình thấy rằng tuổi trẻ là hành trình của khám phá và thử sai. Có lúc, mình tin rằng hướng đi đúng là khoa học và môi trường, mình bắt đầu dấn thân sâu vào dự án nhựa sinh học.
Rồi sau đó, mình lại rẽ sang công nghệ, với mong muốn đưa tri thức Việt Nam ra thế giới. Nhưng rồi, khi cả hai hướng ấy không còn phù hợp, mình… lạc lối.
Không còn một tương lai để hướng đến, mình đánh mất khả năng lãnh đạo bản thân không còn điểm tựa cho hành động, không còn đích đến cho ý chí.
Phải mất một khoảng lặng dài, mình mới dám ngồi lại, soi chiếu vào đứa trẻ ngày xưa đứa trẻ đã từng mơ về việc kiến tạo sự thay đổi thông qua giáo dục và phát triển con người.
Từ khoảnh khắc ấy, mình bắt đầu sống trong một tương lai mới một tương lai đã được làm rõ, lựa chọn và cam kết.
Không phải bằng những checklist kỷ luật khắt khe, mà bằng một sự nhắc nhở sâu sắc về "tại sao mình tồn tại" và "mình đang hướng tới điều gì".
Mỗi khi có dấu hiệu chệch hướng, mình lại quay về với tương lai đó như một bản đồ để định vị lại chính mình giữa mênh mông lựa chọn.
Những trang ghi chú được lưu giữ qua nhiều năm như một dòng đối thoại giữa mình của hôm nay và mình của ngày mai. Ở đó, mình ghi lại tương lai dài hạn, bóc tách nó về trung hạn, ngắn hạn, rồi quy chiếu về hành động cụ thể của hôm nay.
Cảm ơn những chia sẻ của Hiếu.
Kết nối thêm với Hiếu being tại đây.
Xem thêm: