Nếu biết cách dẫn dắt, sẽ chảy vào nơi ta mong muốn
Làm sao để quản lý tài chính cá nhân hay cộng đồng một cách hiệu quả? Cách để thay đổi quan niệm sai lầm về tiền bạc và đạt được sự ổn định tài chính?
Mindtalk Series là không gian nơi mình có cơ hội trò chuyện và chia sẻ cùng những “cuốn sách sống” – những khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mang theo hành trang là trải nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quý giá và kiến thức sâu sắc.
Những cuộc trò chuyện này tập trung vào các chủ đề như xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển chuyên môn và kết nối cộng đồng – những yếu tố quan trọng để mỗi người tối ưu hóa hành trình cá nhân và sự nghiệp của mình.
Hôm nay, mình rất vui khi được chào đón chị Ngọc Quỳnh – một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư và giáo dục tài chính.
Chị Ngọc Quỳnh có nền tảng tài chính vững chắc với bằng MBA từ University of Wales, học tại Singapore, và gần 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng lớn như HSBC và ANZ.
Không chỉ dừng lại ở công việc trong ngành tài chính, từ năm 2018, chị đã thành lập công ty đầu tư riêng, đồng thời tích cực chia sẻ kiến thức tài chính cho hàng trăm người, giúp họ hiểu rõ hơn về cách quản lý và phát triển tài chính cá nhân một cách bền vững.
Trong buổi trò chuyện hôm nay, chị Quỳnh sẽ mang đến những góc nhìn thực tế và ứng dụng về cách biến tiền bạc thành dòng chảy tích cực trong cuộc sống, cùng lắng nghe và khám phá nhé!
1. Làm sao để thay đổi quan niệm sai lầm về tài chính, khi nhiều người vẫn e dè khi nói về tiền bạc?
Chị thấy việc e dè tiền bạc thuộc về phạm trù văn hoá của người Việt. Ông bà xưa có câu “Trọng nghĩa khinh tài", nghĩa là nếu phải cân đo giữa nghĩa khí và tiền bạc thì người Việt sẽ vì tình nghĩa nhiều hơn tiền bạc.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không minh bạch với nhau mà luôn e dè, không nói rõ hết ý kiến của mình thì vẫn sẽ luôn còn đó những hạt sạn trong suy nghĩ và hành động, và mình cũng không thể toàn tâm toàn ý với việc cần làm hay hợp tác cùng đội nhóm.
Vậy làm sao để việc am hiểu tài chính giúp ích cho hoạt động của dự án cộng đồng?
Đầu tiên, hình dung tổng thể về các yếu tố tài chính có thể có trong dự án.
Thứ hai, cần quản lý tài chính phát sinh trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Thứ ba, đảm bảo về mặt thời gian, thời gian càng dài sẽ càng phát sinh nhiều chi phí. Hay nói cách khác, thời gian là tiền bạc
Vấn đề tài chính phát sinh là thường gặp nhất. Để tránh được việc này thì khi lên kế hoạch, ta phải có những dự trù phần nào có thể phát sinh và khả năng quản lý những phần phát sinh đó như thế nào.
Vậy nên đối với các dự án cộng đồng, chúng ta sẽ phải làm 03 bước sau đây, càng chi tiết càng tốt:
Có kế hoạch tài chính tổng thể và chi tiết cho từng bước của dự án.
Tiếp theo, luôn có những quỹ phát sinh 10-15% so với mức bình thường
Giữ timeline theo đúng nhịp độ để dự án và tài chính của dự án luôn nằm trong tầm kiểm soát
Ở đây, chị nhấn mạnh về tính minh bạch. Nếu rõ ràng thì việc e dè trong tiền bạc sẽ không còn nữa, và mình còn được sự ủng hộ của người xung quanh cho việc lập kế hoạch dự trù, từ đó họ cùng tham gia để hoàn thành dự án như kế hoạch ban đầu.
Với góc nhìn từ một người đầu tư, chị nghĩ những dự án cộng đồng nên có những yếu tố nào để chị sẵn sàng đầu tư cho dự án?
Chị sẽ nói về cả hai yếu tố đầu tư, có thể là đầu tư về tài chính, hoặc cũng có thể đầu tư bằng cách góp sức của mình.
Đặc điểm của dự án chị muốn tham gia:
Đầu tiên là sự lan truyền đến các bạn trẻ, có sức ảnh hưởng đủ để các bạn chuyển hoá một phần kiến thức hoặc tư duy, từ đó mang đến hành động cần thiết để bạn tốt hơn.
Thứ hai là làm thật và cho ra kết quả thật. Trong quá trình chị đi học, tham gia các hoạt động thì chị luôn ghi nhớ một điều là “làm thật", có nghĩa là sau khi làm một điều gì đó, thì kết quả của việc đó là kết nối với người khác hoặc tạo ra giá trị cho người khác.
2. Giáo dục tài chính có cần thiết với Gen Z? Và đâu là những kỹ năng tài chính quan trọng nhất?
Trong quá trình chia sẻ kiến thức đầu tư và tài chính, chị nhận ra các bạn trẻ đều có vấn đề nhỏ trong nhận thức tiền bạc.
Có những người có vấn đề thì tìm đến mình để học, nhưng cũng có những người đến mức không thể tự xoay sở được nữa thì mới tìm đến một người thầy, hoặc một người hướng dẫn.
Nhưng tới mức này thì đã chậm, vì khi họ tìm đến sự giúp đỡ với một vấn đề họ không tự giải quyết được chính là bị động, trái ngược với sự chủ động mà chị thường nghe thấy khi nói về gen Z.
Theo quan sát của chị, chị nghĩ điều cần phải thay đổi là việc các bạn có ít sự suy nghĩ trong việc sử dụng tiền bạc, sẵn sàng mua những món mình thích mặc dù nhiều hơn số tiền mình có.
Việc này sẽ giúp cho các bạn có trải nghiệm, nhưng về lâu dài, sự tích lũy tài sản sẽ ít đi. Và như chị hay nói, giáo dục tài chính không chỉ là làm cho hiện tại mà tích lũy cho tương lai nữa.
Các bạn nên chủ động trang bị kiến thức tài chính từ sớm trước khi gặp những vấn đề mà mình không thể tự giải quyết được.
Trong trường hợp các bạn bắt đầu học về tài chính, đầu tiên các bạn nên hiểu mình trong tài chính. Tháng này mình thu chi bao nhiêu, trong số đó cái gì chi nhiều nhất, có thể giảm phần chi đó để tiết kiệm cho tương lai không?
Gen Z hiện nay rất có tầm nhìn và đam mê để đạt được điều họ mong muốn. Tuy nhiên, để làm được thì cần có một kế hoạch, trong tài chính cũng vậy, và phải lập kế hoạch từ bây giờ. Việc này cũng chính là sự chuẩn bị cho tương lai của các bạn.
Sở hữu nhiều tiền khi còn trẻ mang lại những hệ quả như thế nào và mình nên làm gì để ngăn chặn những hệ quả vậy chị?
Dưới góc độ tài chính, tiền bạc chỉ là một phần của tài sản.
Nếu một người có tài sản càng lớn thì khả năng tạo ra tiền bạc từ đó càng tốt.
Bên cạnh đó, cũng phải hiểu được điều gì đang cản trở nguồn tài chính đó, từ đó biết được tài sản ròng của mình là bao nhiêu.
Nếu có tiền bạc dồi dào thì đó là từ nguồn nào, bạn tự làm ra được hay cha mẹ cho. Đó là một phần hệ luỵ của việc nhiều tiền.
Điểm cộng của việc nhiều tiền là giúp bạn có nhiều trải nghiệm, giúp nâng cấp con người mình lên.
Điểm trừ là bạn bị quá tự tin, hoặc vung tay quá trán, tiêu nhiều hơn số tiền mình đang có, có thể để lại nhiều hậu quả và càng nguy hiểm hơn nếu hậu quả này tích lũy qua từng tháng, từng năm.
Tóm lại, tiền bạc có nhiều thì tốt nhưng mà biết cách tận dụng nó thì tốt hơn.
“Việc phát triển tài chính tỷ lệ thuận với việc phát triển bản thân, phát triển những kiến thức trải nghiệm bên trong mình”, điều này có đúng hay không ạ?
Với chị thì đúng. Sau khi tốt nghiệp đại học xong, chị đi làm công ty trong nước với mức lương vừa phải, nhưng sau khi nghe gia đình và đi học MBA bên Singapore, chị được vào làm những tổ chức lớn như quỹ đầu tư hoặc ngân hàng và có một mức lương tốt hơn.
Bên cạnh mức lương, đó là trải nghiệm tốt hơn cùng với văn hoá công ty bắt buộc mình phải nâng cấp lên để phù hợp với yêu cầu công ty.
Sau 10 năm làm việc tại ngân hàng, chị ra làm bên đầu tư, từ những kiến thức trong ngành giúp chị có những bài học thực tế, áp dụng vào tài chính.
Từ đó có thể có nhiều kỹ năng hơn về mặt quản lý tiền bạc cho doanh nghiệp, cho cá nhân, và cho chính mình.
3. Nếu ví tiền bạc là nước, chị muốn để nó tràn đầy ở đâu trong cuộc sống của mình?
Chị nghĩ sẽ khác nhau tùy mỗi thời điểm của mỗi người. Như khi vừa tốt nghiệp, chị muốn làm thật nhiều tiền để mua gì thì mua.
Tới hiện tại, chị muốn làm nhiều tiền để cho gia đình, người thân và mở rộng hơn nữa là những người còn khổ chẳng hạn.
Nhưng có một điều chị thấy chưa đúng lắm. Nếu coi tiền bạc là một dòng chảy thì nó mang tính tĩnh, là chỉ dừng lại ở đó.
Giống như việc ông bà mình mua vàng và đem chôn ở bụi chuối sau hè, thế thì cục vàng đấy luôn là một cục vàng không tạo ra những cái gì đó khác nữa và bản thân nó không có giá trị tăng thêm.
Dù chút xíu thôi, nhưng mà nó vẫn có những sự cải thiện nào đó là điều mình mong muốn ở thời điểm này.
4. Đâu là bài học về tiết kiệm và đầu tư khi còn trẻ? Những thăng trầm nào đã hình thành nền tảng tài chính của chị?
Chị thấy mình không phải là một người tiết kiệm đâu, mà thiên về đầu tư hơn.
Khi chị còn làm ở VinaCapital, cũng là thời hoàng kim của thị trường chứng khoán, nên tiền bạc cũng rất hậu hĩnh, gọi là tốt so với những bạn cùng trang lứa ở thời điểm đó.
Chị quyết định dùng một phần để mua nhà, vừa là một cách để đầu tư mà cũng là một cách để tiết kiệm, nhờ vào việc mình trả góp khoản vay ngân hàng mỗi tháng.
Sau này, khi chị chuyển từ lĩnh vực ngân hàng sang các hoạt động đầu tư, những việc này cũng cho mình cảm giác hưng phấn khi thị trường đi lên nhưng lo lắng khi làm sai, hoặc lựa chọn sai, làm cho mình rất mệt mỏi và stress.
Bài học của chị chính là nghe theo trái tim. Mình có chấp nhận việc bị mất nhiều hay không? Hay là không chịu nổi?
Mình phải coi thử xem có phù hợp với cách của mình hay không, nếu như không phải một người chấp nhận sự mất mát cao, mình nên lựa chọn chiến lược an toàn.
Muốn có tài sản nhưng chi quá đà, phải buộc mình tiết kiệm bị động, như việc vay tiền để mua nhà.
Muốn đầu tư mạo hiểm, bạn phải nghiên cứu thị trường, nghiên cứu cổ phiếu một cách đúng đắn, có cách thức để giảm rủi ro.
Ngược lại, đầu tư an toàn có thể là mua một tài sản an toàn và để đó, đương nhiên không phải tài khoản tiết kiệm nha, vì nó chỉ mang tính bảo hộ thôi, và có thể lỗ nếu như lạm phát cao hơn lãi suất ngân hàng.
Cách an toàn ở đây chị nói là mua dần cổ phiếu với giá thấp, đợi đến khi công ty phát triển lên sau vài năm thì tiền bạc của mình sẽ được nhân lên nhiều lần mà không cần phải làm gì cả.
Những bạn trẻ có nên có tư duy gì, hay họ nên đầu tư vào điều gì then chốt để có thể mang đến giá trị dài hạn cho họ?
Chị sẽ nói đó là từ tích lũy, một là tiền bạc, hai là kinh nghiệm.
Về tích lũy tiền bạc, bạn nên cắt 10-20% quỹ lương để tiết kiệm trước rồi chi tiêu sau. Việc này phải thực hiện một cách kỷ luật hàng tháng. Sau một vài năm nhìn lại, mình đã có một tài sản khá lớn để làm những việc lớn lao.
Về tích lũy sự trải nghiệm, bạn sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan, vẫn mua sắm nhưng biết cách so sánh hàng hoá để có trải nghiệm thực tế, đưa ra đánh giá và lựa chọn tốt nhất, điều này cũng sẽ cho bạn những cơ hội mà bạn không ngờ tới trong công việc.
Ông Warren Buffett có nói:
“Đầu tư vào bạn chính là đầu tư vào tài sản mang lại lợi nhuận nhất”, bây giờ chị mới hiểu rằng “nếu mà mình có sự am hiểu về các sản phẩm, về thị trường thì việc tạo ra tài sản là điều đương nhiên, vì bản thân mình là một tài sản rất có giá trị rồi.”
Chị muốn bổ sung thêm một từ khóa khác, đó là từ khoá cân bằng.
Chị hay hình dung doanh nghiệp hay con người là một cái cây, mỗi cây đều có rễ cắm sâu xuống lòng đất, không ai biết được rễ như thế nào ngoại trừ cái cây đó, cũng giống như chỉ có mình biết mình có những giá trị vô hình nào.
Nếu mình đã có rất nhiều giá trị vô hình mà chưa tạo ra được những giá trị hữu hình thì mình cũng nên cân bằng lại, xem cái chất vô hình đã đủ cân bằng để mang lại lượng hữu hình hay chưa, nếu chưa thì mình cần phải bổ sung thêm và cần sự hỗ trợ của những người xung quanh.
5. Tiền bạc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự bất bình đẳng thu nhập và các vấn đề xã hội khác?
Bất bình đẳng thu nhập hiện nay càng ngày càng lớn. Một người có nhiều tài sản và biết cách vận dụng thì ngày càng sinh sôi nảy nở, còn những người không có tiền trong tay, chỉ làm công ăn lương cũng sẽ không có tiền để tích luỹ.
Và khi xảy ra lạm phát, chi phí tăng cao, thì người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là những người đi làm thuê hoặc thu nhập thấp. Nếu nhà nước không có hành động gì thì sự bất bình đẳng tiền bạc sẽ ngày càng lớn.
Như việc Singapore có quỹ CPF, người lao động bỏ vào một nửa và doanh nghiệp bỏ vào một nửa, và nhà nước sẽ quản lý tiền bạc cho bạn, sau 5 - 10 năm họ có thể lấy ra để mua nhà, số tiền đó sẽ đủ ít nhất 30% giá trị căn nhà của họ.
Đó là cách chính phủ Singapore đã làm để giảm chênh lệch giàu nghèo.
Liệu các bạn trẻ nên chờ các hành động của nhà nước hay là trong lúc chờ đợi thì họ nên làm gì ạ?
Thì việc của mình thì mình cứ làm thôi, và làm tốt nhất trong cái năng lực của mình.
Chị thấy hành động là tốt, nhưng cần quan sát và suy nghĩ cách cải thiện hành động và kết quả thì sẽ tốt hơn nữa, để mình có sự chủ động.
Khi một người không chủ động, khả năng phát triển của họ không cao đâu, mình nên có tinh thần cầu tiến, làm cách nào để tốt hơn, làm sao để giảm thời gian mà tăng kết quả, thì tiền bạc của mình sẽ có thể nhiều hơn.
6. Chị có lời khuyên nào cho những bạn Gen Z quan tâm tới việc phát triển tư duy tài chính?
Để phát triển tư duy tài chính, đầu tiên các bạn sẽ học về tiền bạc cái đã, tự tìm hiểu kiến thức hoặc tìm cho mình một người thầy.
Chị nghĩ cách nhanh nhất để hiểu tài chính là tìm một người thầy vỡ lòng, sau khi có căn bản về tiền bạc rồi thì bạn có thể tìm những thông tin phù hợp với chính mình hơn.
Tiếp theo, sau khi học xong, mình phải hành động, việc này góp phần làm cho việc học của mình thú vị hơn. Việc hiểu về tài chính là học, còn việc hiểu được ý nghĩa thông qua báo cáo tài chính chính là hành.
Nếu được quay ngược thời gian về những năm tuổi 20 thì chị sẽ cho bản thân một lời khuyên gì?
Chị sẽ cho mình ở nhiều trải nghiệm hơn. Vì năm 20 của chị chỉ xoay quanh ba điểm: thư viện, trường và nhà. Thành ra khi bước chân ra đời thì mình khá bỡ ngỡ, vậy nên mình chỉ đi làm ở một công ty trung bình.
Nhưng khi sau này qua Singapore và cho mình nhiều trải nghiệm, gặp được nhiều người giỏi làm cho mình phải vươn ra học hỏi nhiều hơn để phát triển hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị Quỳnh.
Xem thêm: