Viết từ trái tim - Hành trình chữa lành của một nhà khai vấn
Hãy để con tim dẫn lối, làm theo những gì bạn yêu thích và cảm thấy đúng đắn - cách tốt nhất để duy trì sự sáng tạo và niềm đam mê trong công việc.
MindTalk Series là một dự án do mình kết hợp cùng với Insightful Creations thực hiện. Đây là nơi mình có cơ hội trò chuyện và chia sẻ với các khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, những “cuốn sách sống” có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực của họ. Và sau đây, mời bạn cùng đọc recap những điểm chính trong buổi chia sẻ được thực hiện bởi team IC nhé.
Trong thế giới hiện đại đầy bộn bề này, ai trong chúng ta cũng đang khao khát tìm kiếm ý nghĩa và sự kết nối sâu sắc trong cuộc sống. Giữa những thử thách cá nhân và áp lực hàng ngày, việc chia sẻ và tự chữa lành trở thành nhu cầu thiết yếu hơn bao giờ hết. Bạn đã bao giờ tự hỏi, làm thế nào để chữa lành tâm hồn mình thông qua những dòng viết chân thành?
Khi chúng ta mở lòng và kể câu chuyện của mình, những dòng chữ ấy không chỉ mang lại sự thanh thản cho bản thân mà còn có sức mạnh thay đổi tích cực. Việc viết từ trái tim, chia sẻ những nỗi đau, niềm vui, và hành trình của mình, có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để chúng ta không chỉ tự chữa lành mà còn mang lại hy vọng, sự an ủi cho những người xung quanh. Trong mỗi câu chuyện cá nhân ẩn chứa sức mạnh kết nối, và sự chân thành đó là chìa khóa giúp chúng ta tìm thấy sự bình yên từ bên trong.
Những ai theo dõi nội dung truyền cảm hứng và giáo dục chắc hẳn không còn xa lạ với chị Thanh Alice. Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực khai vấn tại Việt Nam, chị Thanh đã xây dựng một thương hiệu riêng với những bài viết và podcast về phát triển bản thân, sức khỏe tâm lý và hành trình chữa lành. Dù không bắt đầu với công việc này một cách toàn thời gian, chị Thanh vẫn luôn là biểu tượng của sự kiên cường và chân thành trong cộng đồng.
Gần đây, chị Thanh đã mở lòng chia sẻ về những khó khăn tâm lý mà chị đã trải qua trong các bài viết và podcast mới. Những giai đoạn tự ti, nghi ngờ bản thân, và những nỗi đau quá khứ đã được chị dũng cảm tiết lộ. Những chia sẻ này không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về hành trình cá nhân của chị mà còn mang lại cảm giác được đồng cảm và chữa lành.
Hãy cùng ngồi lại, thả lỏng và mở lòng để lắng nghe những lời chia sẻ từ chị Thanh. Trong cuộc trò chuyện này, chị sẽ tâm sự về những gì chị đã và đang trải qua để tìm thấy sự cân bằng và chữa lành từ bên trong. Hy vọng rằng, qua những lời chia sẻ chân thành và cảm xúc từ trái tim, các bạn sẽ tìm thấy nguồn động lực và sự an ủi cho chính mình trên hành trình khám phá và yêu thương bản thân.
1. Lý do tại vì sao chị Thanh lại sử dụng mạng xã hội để mà chia sẻ và nói nhiều hơn về sức khỏe tinh thần hay là chuyên môn của bản thân mình ạ?
Hiện nay, mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người. Lý do chị bắt đầu viết trên trang Thanh Alice cũng không nằm ngoài xu hướng này. Khi chị bước chân vào ngành khai vấn, chị đã lập một trang fanpage với mục tiêu ban đầu là chia sẻ kiến thức chuyên môn, câu chuyện công việc và những trải nghiệm thực tế với khách hàng của mình.
Chị bắt đầu viết với sự đam mê và mong muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Càng viết, chị càng nhận ra rằng viết lách không chỉ là một công cụ để giao tiếp mà còn là một cách để chị thể hiện tiếng nói nội tâm của mình. Qua từng bài viết, chị dần tìm thấy niềm đam mê và ý nghĩa trong việc chia sẻ, và cứ thế, chị tiếp tục viết, để tiếng nói ấy dẫn dắt mình một cách tự nhiên và đầy cảm xúc.
Ban đầu, chị chỉ định viết về ngành khai vấn của mình, nhưng theo thời gian, chị đã chuyển hướng dần sang chia sẻ nhiều hơn về hành trình phát triển bản thân, về việc làm lành với trái tim và lắng nghe chính mình. Chị viết nhiều hơn về những kiến thức và công cụ chị đã học được trong quá trình hỗ trợ chữa lành cho chính bản thân mình và cho những người khác. Không chỉ dừng lại ở việc viết, chị còn bắt đầu làm podcast. Điều này không chỉ nhằm mục đích quảng bá chuyên môn của chị mà còn để chia sẻ những điều chị biết, những điều chị cảm thấy ý nghĩa và muốn trao gửi đến mọi người. Chính nhờ vậy, chị đã tìm thấy đam mê và nhiệt huyết, giúp chị duy trì công việc này đến tận bây giờ.
Chị tin rằng nếu chỉ viết để phục vụ cho việc marketing bản thân hoặc để quảng bá sản phẩm, có lẽ chị đã không thể duy trì được như hiện tại. Việc viết và chia sẻ mang lại cho chị niềm vui và cảm giác ý nghĩa, và đó chính là động lực lớn nhất để chị tiếp tục.
2. Khi bắt đầu việc chia sẻ nội dung, chị có gặp cái vấn đề về việc mình rất sợ, rất lo lắng người ta phán xét hay sợ việc phải yêu cần bản thân mình quá nhiều không?
Nếu theo dõi những nội dung của chị, mọi người sẽ thấy rằng chị luôn chia sẻ một cách rất chân thật. Khi chị lười biếng, không muốn làm gì, chị vẫn viết về điều đó. Khi chị đau buồn, chị cũng thành thật chia sẻ cảm xúc của mình. Cuối năm 2021, chị ra mắt khóa học “Yêu vô điều kiện”, với mục tiêu giúp mọi người quay trở lại với bản thân, học cách yêu thương và chấp nhận những góc tối của mình, từ đó tự tin là chính mình.
Trước khi ra mắt khóa học này, chị đã trải qua giai đoạn khá tự ti về bản thân. Chị phải hoàn thành chứng chỉ ICF - chứng chỉ cấp độ chuyên nghiệp của ngành khai vấn - nhưng phải thi đến ba lần mới đạt. Nhìn thấy các bạn học cùng lớp làm rất tốt, chị hoài nghi về khả năng của mình, cho rằng mình không đủ tinh tế, sâu sắc hay vốn sống để theo đuổi nghề này. Chị thậm chí còn cảm thấy mình quá trẻ con. Nhưng chị đã nói chuyện với một người bạn và chị rất nhớ câu hỏi chị dành cho chú là:
“Nếu mà ngay cả bản thân tôi còn không tin vào sản phẩm của tôi thì làm sao mà tôi có thể khiến cho mọi người, cho những người đang theo dõi trang của tôi, cho những người sẽ sử dụng dịch vụ của tôi cảm thấy rằng họ có thể được truyền cảm hứng tình yêu”.
Và người bạn ấy đã nói một câu mà chị rất tâm đắc rằng:
“ Bạn cảm thấy truyền cảm hứng bởi một người mà lúc nào cũng là giỏi nhất, lúc nào cũng là hoàn hảo nhất, và họ không còn gì để có thể phát triển nữa. Hay là một người vẫn đang trên hành trình của họ có những lúc lên có những lúc xuống, họ vẫn đang học và họ rất thành thật với điều đấy, họ tôn trọng hành trình của họ.”
Sau khi chị nghe được câu trả lời đấy, chị nghĩ chắc chắn là chị muốn chọn người thứ hai. Chị cảm thấy được gắn kết với người thứ hai hơn. Từ hình ảnh cũng đang có những vật lộn và họ vẫn đang đi tiếp, mình lại cảm thấy rất là truyền cảm hứng với người đấy.
Người bạn ấy còn gửi cho chị một clip có tên “The Power of Vulnerability” tức là sức mạnh của sự dễ tổn thương. Nội dung chính của clip đấy là: Khi mà cô ấy đứng trước đấy là buổi nói chuyện trên TED Talk, cô ấy đứng trước rất đông người, cô ấy nói về cái nỗi sợ cô ấy, nói về những góc tối của cô ấy và cái mà mọi người nhìn được từ cô ấy không phải là những cái xấu hổ mà mọi người nhìn thấy được một sự dũng cảm, một sự truyền cảm hứng. Và chị nhận ra rằng những cái điều mình nghĩ rằng rất xấu ở trong mình thực ra nó không thể nào xấu được mà nó đẹp theo một cách riêng. Từ lúc đấy chị cảm thấy tự tin hơn và sẵn lòng hơn chia sẻ rất thành thật những điều mình đang trải qua vì rõ ràng là mình không phải là một người hoàn hảo, mình cũng không cần phải mang mình một cái vỏ bọc hoàn hảo làm gì cả. Và chị tin rằng là điều đấy cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn đã theo dõi kênh của chị.
Khi theo đuổi công việc này, chị ghi trên bio của mình là một nhà khai vấn giúp khám phá yêu thương bản thân và tỏa sáng từ bên trong. Ban đầu, trang Thanh Alice được lập ra để chị chia sẻ về khai vấn và bán hàng. Nhưng càng viết, chị càng nhận thấy rằng mình muốn viết về những nội dung ý nghĩa hơn. Hầu như chị không bán hàng trên fanpage, chỉ có độc giả theo dõi lâu dài và inbox hỏi thì chị mới chia sẻ về dịch vụ của mình. Tất cả nội dung đều là những câu chuyện, bài học và công cụ hỗ trợ mọi người.
Qua hành trình dài, chị nhận ra rằng xuất phát điểm của mình không phải là một nhà sáng tạo nội dung có tầm nhìn hay chiến lược. Chị viết một cách hồn nhiên và vô tư, thích gì viết đó. May mắn là vẫn có người đọc và cảm thấy được truyền cảm hứng từ những gì chị chia sẻ. Tất cả những gì chị viết ra đều là những tiếng gọi trái tim. Quan sát các bài viết của mình, chị thấy rõ rằng chủ đề nổi bật nhất luôn là về việc thấu hiểu bản thân, sống đúng với bản thân và trở thành phiên bản rực rỡ nhất của chính mình. Đây chính là tiếng gọi từ trái tim và chị tin rằng mình có thể duy trì nó lâu dài vì đó là giá trị cốt lõi của chị.
3. Như chị đã chia sẻ, ban đầu mình xây dựng nội dung là để mình bán hàng, sale khóa học và những cái dịch vụ của mình. Vậy chị có phải là một người gặp vấn đề và khó khăn về việc mình nói về sự bán. Làm thế nào để vượt qua được cái tâm lý là mình rất thoải mái về việc tôi có dịch vụ này tôi có sản phẩm này nếu bạn có nhu cầu thì bạn có thể sử dụng?
Ban đầu, khi lập trang Thanh Alice với mục đích đơn thuần là bán hàng, chị không gặp phải khó khăn hay e ngại. Tuy nhiên, sau một thời gian viết và chia sẻ, trang của chị đã trở thành một blog chia sẻ kiến thức và câu chuyện cá nhân, thu hút được một lượng lớn độc giả, hiện tại có khoảng 28,000 người theo dõi. Khi bắt đầu nghĩ đến việc giới thiệu dịch vụ của mình, chị lại cảm thấy ngại. Chị lo lắng rằng mọi người có thể nghĩ rằng chị đang chuyển hướng, hay trước đó chỉ giả vờ chia sẻ giá trị để lừa họ.
Để vượt qua cảm giác này, chị đã làm việc với những niềm tin giới hạn của mình:
Nhận Thức và Xử Lý Niềm Tin Giới Hạn: Chị nhận ra rằng có một số niềm tin giới hạn trong bản thân, chẳng hạn như tiền bạc không đẹp hay việc giới thiệu dịch vụ là không tốt. Chị hiểu rằng những niềm tin này cần được nhận thức và xử lý. Việc chia sẻ dịch vụ của mình không có nghĩa là chị không chân thật, mà là một cách để hỗ trợ người khác sâu hơn và chuyên môn hơn.
Giá Trị của Dịch Vụ: Chị hiểu rằng giá trị không chỉ đến từ những bài viết chia sẻ miễn phí mà còn từ việc cung cấp dịch vụ chuyên môn. Có nhiều người cần sự hỗ trợ sâu hơn, muốn có một người đồng hành chuyên nghiệp để giúp họ. Việc cung cấp dịch vụ này là cách để chị hỗ trợ họ một cách toàn diện và chuyên nghiệp.
Thay Đổi Quan Điểm: Chị thay đổi quan điểm về việc giới thiệu dịch vụ. Thay vì xem đó là việc bán hàng, chị nhìn nhận nó như là một cách để tiếp tục trao giá trị. Cách này giúp chị cảm thấy thoải mái hơn và không còn e ngại khi chia sẻ về dịch vụ của mình.
Cân Bằng Chia Sẻ và Giới Thiệu: Chị duy trì việc chia sẻ những bài viết chân thật, miễn phí để tiếp tục cung cấp giá trị cho độc giả. Đồng thời, chị thỉnh thoảng giới thiệu về các dịch vụ của mình để những ai có nhu cầu có thể biết đến và sử dụng. Việc này giúp chị cân bằng giữa chia sẻ và kinh doanh một cách tự nhiên.
Qua quá trình làm việc với niềm tin giới hạn và thay đổi cách nhìn nhận, chị đã trở nên tự tin hơn trong việc giới thiệu dịch vụ của mình. Chị hiểu rằng việc hỗ trợ người khác qua các dịch vụ chuyên môn cũng là một cách đẹp và ý nghĩa để trao giá trị, và điều này không có gì là sai cả. Nhờ đó, chị cảm thấy nhẹ nhàng hơn và tiếp tục hành trình của mình với sự tự tin và nhiệt huyết.
Em đã từng đọc qua một nhận định rằng: Mình sợ hay mình ngại nói về tiền bởi vì mình đã từng có một cái tổn thương về tiền trong quá khứ. Điều này có đúng không chị?
Cách chúng ta nhìn nhận về cuộc sống và đặc biệt là về tiền bạc phần lớn được hình thành từ những trải nghiệm trong tuổi thơ. Những trải nghiệm này tạo nên cơ cấu nhận thức và hệ thống niềm tin của mỗi người. Chị nhận thấy rằng nhiều người Việt Nam hay người châu Á có quan niệm không mấy tích cực về tiền bạc. Điều này có thể xuất phát từ văn hóa, mặc dù chị chưa đào sâu nhiều về lý do cụ thể.
Một ví dụ điển hình là từ chính gia đình chị. Khi còn nhỏ, bố mẹ chị không bao giờ chia sẻ về tiền bạc trước mặt chị. Khi bố mẹ nói chuyện về tiền, chị không được phép có mặt. Điều này tạo ra một cảm giác rằng tiền là thứ gì đó xấu hổ và cấm kỵ. Việc bố mẹ tránh né đề cập đến tiền bạc trước mặt chị đã gieo vào tâm trí chị một nhận thức rằng tiền bạc là một điều gì đó tiêu cực.
Ngoài ra, Việt Nam là một nước còn nhiều khó khăn kinh tế, nên những tổn thương và khó khăn về tiền bạc từ thế hệ ông bà, cha mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận của chị về tiền. Với họ, thiếu tiền là khổ, và những khó khăn về kinh tế đã tạo ra những hành vi và thói quen ứng xử với tiền bạc mang tính tiêu cực. Những trải nghiệm này vô tình ảnh hưởng đến thế hệ sau, tạo nên một cái nhìn không mấy tích cực về tiền bạc.
Chị nhận ra rằng những niềm tin giới hạn này cần được thay đổi. Việc chia sẻ về tiền bạc và dịch vụ của mình không phải là điều xấu, mà thực sự là một cách để chị có thể giúp đỡ và hỗ trợ người khác một cách toàn diện hơn. Điều này giúp chị cảm thấy nhẹ nhàng hơn và tự tin hơn trong việc giới thiệu dịch vụ của mình, đồng thời vẫn giữ được sự chân thật và ý nghĩa trong từng nội dung chia sẻ.
4. Trong khoảng thời gian hai cho tới ba năm qua khi chị làm sáng tạo nội dung chia sẻ những nội dung về chuyên môn của mình, có bài học gì mà chị nghĩ là rất sâu sắc với chị về việc chiến lược không?
Chị là một cô gái không có chiến lược. Ban đầu, chị viết vì sở thích cá nhân, viết về những gì mình thích mà không quan tâm đến xu hướng hay cách viết của người khác. Chị không xem mình là một nhà sáng tạo nội dung, mà chỉ đơn giản là chia sẻ những gì mình cảm thấy có ý nghĩa.
Tuy nhiên, gần đây chị bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận về công việc này. Chị nhận ra rằng dù sao mình cũng là một người chia sẻ rất nhiều kiến thức và câu chuyện phong phú, có thể được xem là một nhà sáng tạo nội dung. Khi chị bắt đầu tự định danh mình như vậy, chị cảm thấy mình cần phải nghiêm túc hơn với công việc này. Điều này không chỉ bao gồm việc tạo ra nội dung chất lượng mà còn phải có kế hoạch, tầm nhìn và chiến lược rõ ràng.
Một trong những bài học quan trọng chị học được gần đây là phải chú ý đến insight của khách hàng, hay chính là nhu cầu và mong muốn thực sự của đối tượng độc giả. Trước đây, chị viết theo sở thích của mình mà ít quan tâm đến phản hồi hay nhu cầu của độc giả. Nhưng giờ đây, chị nhận thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe và hiểu rõ insight của họ.
Trong công việc khai vấn của mình, chị có cơ hội lắng nghe rất nhiều câu chuyện từ khách hàng. Trước đây, chị không nhận ra rằng những câu chuyện này chứa đựng nhiều insight quý giá. Nhưng giờ chị bắt đầu chú ý hơn, ghi chép lại những câu chuyện, câu hỏi và phản hồi từ độc giả. Chị cũng chủ động lắng nghe những câu hỏi mà độc giả gửi về, và thực hiện các khảo sát để thu thập thêm thông tin.
Chị thừa nhận rằng việc này còn mới mẻ và chưa chắc chắn về hiệu quả, nhưng ít nhất nó giúp chị có định hướng rõ ràng hơn mỗi ngày. Thay vì thức dậy mà không biết sẽ viết gì, chị có thể dựa vào những insight này để tạo ra nội dung phù hợp và hấp dẫn hơn cho độc giả của mình.
Việc chú ý đến insight của khách hàng không chỉ giúp chị cải thiện chất lượng nội dung mà còn tạo ra một sự kết nối sâu sắc hơn với độc giả. Chị tin rằng bằng cách này, chị có thể tiếp tục phát triển và mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho cộng đồng của mình.
5. Em đã đọc bài viết của chị trước đây, và chị từng viết rằng "đừng chiến lược, hãy ngây thơ." Chị có thể giải thích rõ hơn tại sao chị lại đưa ra kết luận này không?
Để trả lời câu hỏi này, chị xin một chút liên kết với bối cảnh vừa qua chị đã đạt mốc 5.000 subscribers trên Youtube, điều này thật sự rất bất ngờ và vui mừng. Khi mới bắt đầu, chị đã xây dựng kênh một cách rất thầm lặng, không đầu tư quá nhiều. Chị chủ yếu kéo lại những bài post từ Spotify và đăng lên YouTube. Thời điểm đó, chị tưởng tượng rằng mình sẽ ngồi trước máy quay, với ánh sáng và âm thanh hoành tráng, giống như các video hướng dẫn mà chị đã xem. Chị đã xem rất nhiều kênh hướng dẫn cách xếp ánh sáng, cách làm studio tại nhà, và cả cách chỉnh sửa video. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, chị chưa hoàn thành được clip nào.
Năm đầu tiên, chị đầu tư mua máy ảnh và các thiết bị cần thiết. Mặc dù đã đầu tư khá lớn, nhưng video đầu tiên của chị chỉ thu hút được vài trăm lượt xem, và mỗi lần làm rất mất công. Đến cuối năm vừa rồi, chị quyết định thay đổi chiến lược. Chị bắt đầu đơn giản hóa mọi thứ, chỉ viết tiêu đề lên một background và ghép âm thanh podcast vào. Bất ngờ thay, với cách làm đơn giản này, lượt xem tăng vọt, có một tập podcast thậm chí đạt 80.000 lượt xem. Từ câu chuyện này, chị rút ra một bài học quan trọng:
Khi mới bắt đầu, đừng quá tập trung vào chiến lược. Lúc đó, chúng ta chưa biết mình giỏi gì, chưa hiểu rõ sở thích của khán giả, và sản phẩm của mình sẽ được đón nhận như thế nào. Nếu quá chiến lược ngay từ đầu, chúng ta có thể bị giới hạn và không phát huy được hết tiềm năng của mình.
Thay vào đó, hãy làm việc một cách hồn nhiên và ngây thơ, theo đuổi đam mê và sở thích của mình. Ban đầu, hãy làm những gì mình thích và cảm thấy phù hợp. Dần dần, qua quá trình thực hiện, chúng ta sẽ rút ra những bài học, tìm ra chiến lược và phong cách riêng của mình.
Với những ai mới bắt đầu, hãy để con tim dẫn lối, làm những gì bạn yêu thích và cảm thấy đúng đắn. Khi đã có đủ kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về bản thân cũng như khán giả, lúc đó hãy xây dựng chiến lược cụ thể và chuyên nghiệp hơn. Đó là cách tốt nhất để duy trì sự sáng tạo và niềm đam mê trong công việc của mình.
6. Vậy chị có gặp vấn đề hay rào cản gì khi xây dựng nội dung trên đa nền tảng không ạ? Chị đã học được gì hay đã vượt qua được cái vấn đề đấy như thế nào?
Chị chưa hoàn toàn vượt qua được thử thách trong việc sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Hiện tại, chị chủ yếu sử dụng Facebook và cảm thấy quen thuộc với nó. Chị đã thử mở rộng sang Instagram và TikTok, nhưng thấy khá khó khăn. Vì vậy, chị quyết định tập trung vào một đến hai nền tảng chính, cụ thể là Facebook và podcast trên Spotify.
Chị nhận ra rằng việc kéo lại nội dung và chỉnh sửa một chút để phù hợp với các nền tảng khác như Instagram hay TikTok có thể giúp chị tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên, chị không muốn phân tán quá nhiều vì điều đó có thể làm mất đi sự tập trung và bản sắc riêng.
Trong hành trình sáng tạo nội dung, có rất nhiều con đom đóm xung quanh, rất nhiều đốm sáng và hào nhoáng gây sao nhãng và có rất nhiều xu hướng mới xuất hiện mỗi ngày. Việc chạy theo những xu hướng này có thể khiến chúng ta đánh mất bản sắc của mình. Điều quan trọng là tạo ra giá trị thực sự và thay đổi cuộc đời của người khác thông qua những gì mình làm.
Chị nghĩ rằng sâu trong cùng không phải là mình viral tầm nào rồi hay mình có được bao nhiêu followers, mình có bao nhiêu cái nền tảng mà sâu trong cùng là mình tạo giá trị như thế nào. Và mình có thể thay đổi cuộc đời của những người như thế nào? Thì câu trả lời cuối cùng là cái giá trị cốt lõi của mình ở đâu. Thế mạnh của mình là gì? Và mình có thể làm được điều gì.
Chị nhận ra thế mạnh của mình là viết nội dung dài và sâu sắc. Những bài viết dài, học thuật, hay các câu chuyện và bài blog với câu văn bóng bẩy là điểm mạnh của chị. Những nội dung ngắn, cách làm "how-to" hay các bài viết ngắn gọn không phải là sở trường của chị, và chị để những người có thế mạnh đó làm.
Chị hiểu rằng không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ và việc cố gắng làm mọi thứ có thể khiến mình mất đi nét đặc trưng riêng. Khi mọi người nhớ đến chị - Thanh Alice, họ nhớ đến những bài viết dài và sâu sắc, mang đậm phong cách cá nhân của chị. Điều này không thể dễ dàng chuyển sang TikTok hay các nền tảng khác.
Vì vậy, chị khẳng định rằng điều quan trọng nhất là nhận thức rõ giá trị cốt lõi và thế mạnh của mình. Tập trung vào những điều đó sẽ giúp chị tạo ra nội dung chất lượng và ý nghĩa, thay vì cố gắng chạy theo mọi xu hướng và làm mọi thứ.
7. Khi chị coach cho những người cần chị hỗ trợ thì chị thường có một process, một lộ trình để giúp họ nhận ra và giúp họ vượt qua những cái niềm tin của bản thân mình. Vậy chị có thể chia sẻ với em không?
Nhận ra và thay đổi niềm tin giới hạn là một hành trình dài bởi vì những niềm tin này đã tồn tại trong chúng ta từ rất lâu. Nhiều niềm tin giới hạn mà chúng ta không nhận ra, rất khó để thấy được.
Bước 1: Quay lại bên trong và lắng nghe chính mình
Để nhận diện niềm tin giới hạn, bước đầu tiên là quay lại bên trong mình. Lắng nghe những tiếng nói và cảm xúc của bản thân mỗi ngày. Cách đơn giản nhất là viết nhật ký. Dành thời gian mỗi buổi sáng hoặc buổi tối để viết ra những gì bạn nghĩ, những trải nghiệm trong ngày. Quá trình viết sẽ giúp các bạn nhận ra những suy nghĩ thường xuyên lặp lại, đó có thể là những niềm tin giới hạn.
Nếu bạn không thích viết, thiền định cũng là một cách hiệu quả. Ngồi yên tĩnh trong 5-10 phút mỗi ngày để lắng nghe giọng nói bên trong mình. Đây là cách để quan sát và nhận diện suy nghĩ của bạn.
Bước 2: Đặt câu hỏi và thách thức niềm tin
Khi đã nhận diện được niềm tin giới hạn, bước tiếp theo là đặt câu hỏi xem liệu niềm tin này có đúng không. Đôi khi chúng ta tin vào điều gì đó từ nhỏ vì hành vi của bố mẹ, nhưng lớn lên, điều đó chưa chắc đúng với chúng ta.
Hãy tìm kiếm bằng chứng từ những người xung quanh, chia sẻ câu chuyện của bạn với bạn bè để nhận phản hồi. Đọc sách và trò chuyện nhiều hơn để hiểu cách người khác suy nghĩ. Hỏi bản thân rằng nếu niềm tin này không đúng, tại sao bạn lại tin vào nó? Có thể thay đổi niềm tin đó thành một điều mới mẻ và tích cực hơn không?
Bước 3: Hành động để tạo trải nghiệm mới
Niềm tin hình thành từ những trải nghiệm và bằng chứng trong cuộc sống. Để thay đổi niềm tin, bạn cần tạo ra những trải nghiệm mới. Ví dụ, nếu bạn tin rằng mình không có khả năng nói trước công chúng, hãy thử nói trước một nhóm nhỏ để xem cảm giác thế nào. Nếu bạn thấy ổn, hãy tiếp tục thử sức với những nhóm lớn hơn. Nếu chưa tốt, hãy cải thiện dần dần.
Nhận diện, đối thoại và thử nghiệm là ba bước cơ bản để thay đổi niềm tin giới hạn. Hãy nhớ rằng niềm tin không thay đổi chỉ bằng cách ngồi yên, bạn cần hành động để tạo ra những bằng chứng mới.
Ví dụ về việc thay đổi niềm tin giới hạn
Hãy lấy ví dụ về niềm tin giới hạn: "Tôi là một người rất dở hơi và không có khả năng nói trước công chúng."
Nhận diện niềm tin: Trước hết, bạn cần xác định niềm tin này. Hãy viết ra: "Tôi tin rằng tôi không có khả năng nói trước công chúng."
Đối thoại với niềm tin:
Đặt câu hỏi: Điều này có đúng không?
Hãy tự hỏi mình: "Tôi đã thử nói trước công chúng bao giờ chưa?" Nếu chưa, điều này chưa chắc đúng.
Hành động để thay đổi niềm tin:
Hãy thử nói trước một nhóm nhỏ, có thể là bạn bè hoặc một cộng đồng nhỏ. Nếu bạn thấy ổn, lần sau hãy thử trước một nhóm lớn hơn.
Nếu lần đầu bạn cảm thấy chưa tốt lắm nhưng có thể cải thiện, hãy tiếp tục thực hành. Qua mỗi lần, bạn sẽ dần dần thay đổi niềm tin này.
Niềm tin được hình thành từ những trải nghiệm và bằng chứng trong cuộc sống. Vì vậy, để thay đổi niềm tin, bạn cần tạo ra những trải nghiệm mới và bằng chứng mới. Hãy thử những điều mà bạn nghĩ mình không thể làm để xem điều đó có đúng không. Qua thời gian và sự cố gắng, bạn sẽ thấy rằng niềm tin cũ có thể được thay thế bằng niềm tin mới tích cực hơn.
Đó là một số cách mà chị đang làm với khách hàng của mình. Mình là một người khai vấn, mình sẽ đồng hành cùng với khách hàng của mình trong cái hành trình mà họ thay đổi niềm tin đấy. Mình sẽ đặt những câu hỏi mở để họ tự trả lời ra. Thì đấy là một số những cái bước để mình nhận diện và thay đổi niềm tin.
Em thấy rằng việc nhận diện niềm tin giới hạn là một điều rất khó, vì nhiều khi mình nghĩ rằng mình hiểu mình nhưng thực sự không phải vậy. Đặc biệt, những niềm tin tiêu cực về bản thân thường được chúng ta coi là sự thật, trong khi thực tế chúng lại là những giới hạn tự đặt ra, cản trở sự phát triển của mình.
Đối diện với những niềm tin này và thử nghiệm những điều mới là cách hiệu quả để thay đổi nhận thức và tư duy. Em cảm ơn chị Thanh rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ với em và các bạn thính giả về hành trình sáng tạo nội dung cũng như những câu chuyện về sức khỏe tinh thần. Em tin rằng những chia sẻ của chị sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và lắng nghe bản thân mình.
Hy vọng rằng trong tương lai, chị Thanh sẽ tiếp tục có những nội dung hay và ý nghĩa để truyền cảm hứng cho mọi người. Chúc chị luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
Xem thêm: